Cần nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất ở Đắk Glong

Thanh Nga| 25/11/2015 09:45

Trong những năm gần đây, do số lượng học sinh trên địa bàn huyện Đắk Glong tăng cơ học một cách “đột biến” nên đã phát sinh nhiều vấn đề không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp, thiếu phòng học đang là bài toán cần lời giải trong công tác giáo dục nơi đây.

ADQuảng cáo

Vì thiếu phòng học nên Trường tiểu học Kim Đồng, xã Quảng Khê buộc phải bố trí số học sinh/lớp cao hơn nhiều so với quy định

“NÓNG” CHUYỆN THIẾU GIÁO VIÊN

Mặc dù tiếng trống khai trường năm học mới 2015-2016 đã gióng lên cách đây gần 2 tháng nhưng tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy ở các bậc học, nhất là bậc mầm non vẫn đang là chủ đề “nóng” đối với huyện Đắk Glong.

Tại Trường mẫu giáo Hoa Lan, xã Đắk R’măng có tổng số 9 lớp học nhưng chỉ có 6 giáo viên giảng dạy. Không được tuyển giáo viên nên hiệu trưởng và 2 hiệu phó của trường cũng phải đích thân đứng lớp. Còn tại Trường mẫu giáo Hoa Mai, ở xã Đắk Ha, vì thiếu giáo viên nên nhà trường buộc phải “lơ” quy định để dồn lớp.

Cụ thể, năm học này, trường có 365 cháu, tăng 70 cháu so với năm học trước nhưng cũng chỉ bố trí trong phạm vi 10 lớp học. Cô Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Hoa Mai cho biết: Hầu hết các lớp học của trường đều vượt số học sinh so với quy định. Ở khối lớp Lá có 170 cháu học nhưng phải dồn lại học 4 lớp do thiếu giáo viên. Bình quân mỗi lớp phải bố trí trên 40 cháu.

Đối với lớp Chồi theo quy định cao nhất là 30 cháu/lớp nhưng hiện tại, lớp ít nhất của trường cũng phải bố trí 37 cháu, lớp đông nhất tới 43 cháu. Các lớp Mầm theo quy định cao nhất là 25 cháu nhưng hiện lớp đông nhất có tới 34 cháu...

Chưa kể phải tách lớp để bảo đảm sỹ số học sinh, nếu theo quy định đối với trường dạy 2 buổi/ngày phải bảo đảm 2 giáo viên đứng lớp thì trường còn thiếu tới 10 giáo viên. Trước tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay thì giáo viên rất vất vả còn nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chương trình nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Không riêng gì trường này, theo ông Nguyễn Bá Ngọc, cán bộ tổ chức Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Đắk Glong, hiện nay, tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp đang rất phổ biến tại địa phương, nhất là bậc học mầm non. Nếu thực hiện theo Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT - BNV, ngày 16/3/2015 của Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định danh mục khung vị trí việc làm và định lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập mỗi lớp học 2 buổi/ngày phải có 2 giáo viên thì riêng cấp học mầm non của huyện còn thiếu 69 giáo viên.

Được biết, trong 3 năm qua số học sinh trên địa bàn huyện Đắk Glong tăng nhanh. Chỉ tính trong năm học 2014 -2015, toàn huyện tăng 1.400 học sinh và năm học 2015-2016 tăng trên 1.700 học sinh, nâng tổng số lên 15.136 học sinh thuộc các cấp học phân bổ tại 35 trường, 492 lớp. Trung bình mỗi năm huyện tăng trên 40 lớp, điều này dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên và thiếu cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học. Tổng số giáo viên biên chế của huyện hiện có 884 người.

Do số lượng học sinh đông nên năm nay huyện có 6 trường tách, thành lập mới, trong đó 4 trường mẫu giáo và Trường tiểu học Quảng Sơn, THCS Hoàng Văn Thụ (Quảng Sơn). Không riêng gì cấp học mầm non, cấp tiểu học cũng vẫn trong tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp. Hiện cấp tiểu học trên địa bàn có 15 trường với 8.253 học sinh, được biên chế 274 lớp. So với năm học 2014 - 2015, toàn huyện tăng 503 học sinh và 7 lớp, vì vậy đang thiếu 18 giáo viên. Cấp trung học cơ sở hiện có 8 trường, 3.484 em đã được biên chế 102 lớp, tăng trên 750 học sinh…

ADQuảng cáo

CƠ SỞ VẬT CHẤT CHƯA ĐÁP ỨNG NHU CẦU DẠY HỌC

Việc tăng số lượng học sinh một cách quá nhanh cũng đã khiến cơ sở vật chất trường, lớp vốn đã thiếu nay còn thiếu thốn hơn. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 35 trường với 491 phòng học, trong đó có 162 phòng học kiên cố, 309 phòng học bán kiên cố, 10 phòng tạm và 10 phòng mượn. Trong năm học 2014 -2015, huyện đã xây mới và đưa vào sử dụng 42 phòng học với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng nhưng vẫn không đáp ứng đủ.

Để phục vụ công tác dạy học trong tình trạng thiếu thốn này, mỗi trường có những cách “ứng biến” riêng. Trường mẫu giáo Hoa Đào, xã Đắk Som vì thiếu phòng học cho các cháu nên phải mượn đến 3 địa điểm như Trung tâm Y tế xã, nhà văn hóa thôn 3 và thôn 4 để làm phòng học. Trường mẫu giáo Hoa Quỳnh, xã Quảng Khê mượn nhà văn hóa các thôn 2, 7, 8 để phục vụ cho công tác dạy học.

Bậc tiểu học hiện có 269 phòng học trong khi đó có 275 lớp, số lượng phòng học so với cơ cấu số lớp vẫn chưa đủ. Chưa kể, một số trường tiểu học hiện vẫn đang phải sử dụng phòng học tạm làm bằng gỗ, mái lợp tôn để dạy học. Các trường tiểu học đều chưa có phòng chức năng nên phải sử dụng phòng học làm một số phòng chức năng khác như thư viện, phòng làm việc, thiết bị…

Một số trường trung học cơ sở cũng xảy ra tình trạng thiếu phòng học. Điển hình là Trường THCS Hoàng Văn Thụ, năm học này có 23 lớp nhưng đang phải mượn 8 phòng học của Trường tiểu học Quảng Sơn và 12 phòng học của Trường THPT Lê Duẩn để phục vụ dạy học.

ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC

Ông Lê Đại Thành, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong cho rằng, tình trạng thiếu giáo viên và cơ sở vật chất trên địa bàn huyện có nhiều nguyên nhân. Trước hết là số lượng học sinh trong độ tuổi đi học của địa phương tăng nhanh trong những năm gần đây do phụ huynh đã nâng cao nhận thức nên chú trọng việc cho con em đến trường, nhất là bậc mầm non.

Những năm qua, hàng năm huyện đều khảo sát độ tuổi và dự báo số lượng học sinh nhưng do kinh tế - xã hội phát triển và có thông tin một phần địa bàn huyện Đắk Glong sẽ tách huyện mới nên dân cư kéo đến sinh sống, lập nghiệp, trong đó chủ yếu là các gia đình trẻ, dẫn tới tăng dân số cơ học, tăng tỷ lệ sinh nên số lượng học sinh cũng tăng nhanh. Bên cạnh đó, năm nay là năm đầu tiên thực hiện Thông tư liên tịch số 06 đối với bậc mầm non nên càng thiếu nhiều giáo viên ở bậc học này.

Hàng năm, huyện vẫn được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất nhưng vì học sinh tăng liên tục, Đắk Glong lại thuộc huyện nghèo nên chưa đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu học sinh tăng cao đột biến như thời gian qua.

Nói về giải pháp tháo gỡ, ông Lê Đại Thành, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong cho biết, trước mắt, Phòng xin chủ trương của tỉnh tiếp tục cho các trường thiếu giáo viên được hợp đồng ngắn hạn, cho dạy kê. Về lâu dài, huyện đang đề xuất Sở Nội vụ trình trung ương cho địa phương bổ sung biên chế. Dự báo, trong những năm tiếp theo, số lượng học sinh trên địa bàn huyện còn tiếp tục tăng nên cần phải đầu tư xây dựng phòng học, cơ sở vật chất để bảo đảm công tác dạy và học.

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của UBND tỉnh với tập thể lãnh đạo huyện Đắk Glong mới đây, đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng để giải quyết tình trạng thiếu cơ sở vật chất hiện nay, ngoài việc chờ kinh phí đầu tư của nhà nước thì huyện Đắk Glong nên đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Đối với những xã điều kiện kinh tế phù hợp thì nên huy động xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất và ưu tiên nguồn vốn cho những xã vùng sâu, vùng xa, đời sống nhân dân khó khăn nhằm từng bước giải quyết bài toán thiếu cơ sở vật chất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất ở Đắk Glong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO