Các địa phương với nỗi lo thiếu giáo viên (Kỳ 1): Tuy Đức, thiếu giáo viên và nỗi lo nợ tiền “dạy kê, dạy gác”

Nguyễn Hiền| 29/08/2016 14:21

Chuẩn bị bước vào năm học mới 2016-2017, bên cạnh lo cơ sở vật chất trường lớp thì các địa phương trong tỉnh, nhất là ở các huyện Tuy Đức, Đắk Glong còn có thêm nỗi lo lớn là tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp ở các bậc học.

ADQuảng cáo

Qua từng năm học, số lượng học sinh ngày càng tăng. Tuy nhiên, số lượng giáo viên trong biên chế lại không đáp ứng đủ nhu cầu đã gây nhiều khó khăn cho các trường học ở huyện Tuy Đức.

Nhiều trường thiếu giáo viên

Trường mầm non Họa Mi ở xã Quảng Tâm nhiều năm liền luôn trong tình trạng thiếu giáo viên và để phần nào khắc phục, những năm học trước, nhà trường phải thực hiện dồn lớp. Năm học 2015-2016, trường được bổ sung thêm 6 giáo viên biên chế, nhưng vẫn không đáp ứng đủ số giáo viên/lớp theo quy định, nên cán bộ quản lý cũng phải thay nhau đứng lớp.

Năm học 2016-2017, trường dự kiến có 285 trẻ theo học ở 14 lớp, tăng 30 trẻ so với năm học trước. Số trẻ và lớp tăng, nhưng điều đáng nói là số giáo viên lại giảm đi vì 6 giáo viên hợp đồng hiện nay đã hết hạn.

Hầu hết giáo viên Trường mầm non Họa Mi, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) đều phải tham gia “dạy kê, dạy gác”

Cô Lê Thị Tần, Hiệu phó nhà trường cho biết: “Với 18 giáo viên trong biên chế không thể đáp ứng nhu cầu lớp học hiện có. Theo nhu cầu mở thêm lớp, trường còn thiếu 9 giáo viên, nên rất mong được phân bổ lại số giáo viên hợp đồng cũ cũng như bổ sung thêm biên chế để bảo đảm việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ”.

Tương tự, Trường tiểu học Lê Lợi ở xã Đắk Búk So năm học 2016-2017 tới cũng vì thiếu giáo viên nên sẽ không thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả các khối, lớp. Theo cô giáo Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi thì hầu như năm nào trường cũng thiếu giáo viên. Riêng năm 2015-2016, trường được điều chuyển 4 giáo viên nơi khác về nên việc thiếu giáo viên tạm thời khắc phục, giảm được tình trạng dạy thêm giờ. Tuy nhiên, năm học 2016-2017 tới, trường dự kiến có 26 lớp, tăng 3 lớp so với năm học trước, nên sẽ có 4 lớp không có giáo viên dạy môn chung.

Không chỉ những trường trên mà nhiều trường học khác trên địa bàn huyện cũng đang trong tình trạng thiếu giáo viên để phân bổ ở các lớp.

Nguy cơ “dạy kê, dạy gác” tăng

Việc các trường học trên địa bàn huyện thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm gần đây. Để phần nào khắc phục tình trạng đó, các trường phải bố trí giáo viên “dạy kê, dạy gác” (tăng tiết) nhằm bảo đảm cho hoạt động dạy và học. Trường mầm non Họa Mi ở xã Quảng Tâm là một trong những đơn vị còn nợ tiền “dạy kê, dạy gác” nhiều nhất, trên 500 triệu đồng. Trong đó, người ít nhất cũng bị nợ 6-7 triệu đồng, người nhiều nhất đến cả 100 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Trường mầm non Hoa Hồng ở xã Đắk Búk So cũng có số lượng cán bộ, giáo viên bị nợ tiền “dạy kê, dạy gác” khá lớn. Theo cô giáo Đoàn Thị Thêu, Hiệu trưởng nhà trường thì những năm trước, số lượng giáo viên thiếu ít hơn, nhưng  trường vẫn phải tổ chức dạy kê, dạy gác mới đáp ứng được yêu cầu. Đến nay, các cấp đã nhận hồ sơ nhưng số tiền dạy kê, dạy gác vẫn chưa được thanh toán. Theo nhu cầu số học sinh tăng, năm nay trường thiếu đến 8 giáo viên và lại có 2 giáo viên nghỉ sinh nên rất lo lắng.

Trường tiểu học La Văn Cầu ở xã Đắk Búk So năm học 2016-2017 cũng thiếu 3 giáo viên chung, nên đang tính toán bố trí giáo viên dạy thêm đến khi được phân giáo viên mới về.

Theo thống kê, để đáp ứng nhu cầu năm học mới, toàn huyện còn thiếu 116 giáo viên ở các cấp học; trong đó, bậc mầm non thiếu 91 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 13 giáo viên chung và bậc THCS thiếu 12 giáo viên làm tổng phụ trách đội và làm việc tại các trung tâm học tập cộng đồng.

Riêng bậc mầm non nếu không được bố trí số lượng giáo viên hợp đồng đã hết hạn kịp thời sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong phân bố lớp giảng dạy. Với số lượng giáo viên thiếu tương đối lớn ở các bậc học thì việc “dạy kê, dạy gác” là khó tránh khỏi.

Phân bổ đủ giáo viên sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục

Mong muốn phân bổ thêm giáo viên

Vì số giáo viên thiếu tương đối nhiều nên số tiền chi trả “dạy kê, dạy gác” cũng khá nhiều. Tính đến cuối năm 2015, số tiền nợ giáo viên “dạy kê, dạy gác” của huyện đã lên đến 5,3 tỷ đồng và từ đầu năm 2016 đến nay, tiếp tục phát sinh thêm 1,7 tỷ đồng.

Trước tình trạng số tiền nợ “dạy kê, dạy gác” ngày càng tăng, sau nhiều lần kiến nghị, UBND tỉnh đã cho huyện ứng trước ngân sách 5,3 tỷ đồng để chi trả. Tuy nhiên, đến nay cán bộ, giáo viên tham gia "dạy kê, dạy gác" vẫn chưa nhận đươc tiền chi trả.

Có thể nói, tình trạng thiếu giáo viên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục của các trường học, nhất là bậc mầm non. Theo ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức thì khi mới thành lập, toàn huyện chỉ có trên 6.000 học sinh, nhưng đến nay đã tăng lên trên 13.000 em. Trong khi đó, số lượng giáo viên biên chế được phân bổ về rất hạn chế, nên không đáp ứng kịp nhu cầu dạy học.

Trong thời gian tới, địa phương rất mong sẽ tiếp nhận sớm được số giáo viên hợp đồng để hạn chế tình trạng “dạy kê, dạy gác”. Cùng với đó, các cấp cần bố trí, phân bổ thêm số lượng biên chế ở các bậc học để đáp ứng nhu cầu dạy học cho con em trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các địa phương với nỗi lo thiếu giáo viên (Kỳ 1): Tuy Đức, thiếu giáo viên và nỗi lo nợ tiền “dạy kê, dạy gác”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO