Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận giải trình về đổi mới kỳ thi quốc gia 2015

Nguồn VOV| 24/09/2014 09:09

Ngày 23/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận về việc đổi mới các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

ADQuảng cáo

Tại phiên giải trình, câu hỏi của các đại biểu quốc hội tập trung về các vấn đề như: sự cần thiết và tính hợp lý của việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia thực hiện hai mục đích xét tốt nghiệp và là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh; công tác tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm do trường đại học và địa phương chủ trì; việc xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký tuyển sinh đại học.

Phiên giải trình của Bộ trưởng GD-ĐT tại Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về việc đổi mới các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ (Ảnh: Dân trí)

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu câu hỏi: “Đề nghị Bộ trưởng làm rõ hai vấn đề sau. Thứ nhất, vì sao Bộ đổi mới bất ngờ như vậy và Bộ có đặt địa vị của mình vào học sinh hay không? Đây có phải là phương án đổi mới cuối cùng hay không? Nếu là không, xin Bộ trưởng cho biết Bộ có định công bố lộ trình đổi mới để các khóa sau khỏi phải bất ngờ đột ngột như khóa này hay không? Thứ hai, việc gộp hai kỳ thi làm một có quyết định được vấn đề dư luận nêu ra thi cử cồng kềnh?”

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, việc đổi mới các kỳ thi tốt nghiệp THPT không có gì bất ngờ đối với học sinh. Việc đổi mới được thực hiện theo lộ trình và không có gì bất ngờ cho học sinh vì đã được chuẩn bị từ nhiều năm nay.

Đổi mới thi cử năm nay dựa trên tiền đề một loạt những việc chúng tôi làm ngay sau Đại hội XI kết thúc. Bao gồm giảm tải, đổi mới phương pháp dạy, học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, thi cử rồi mới dẫn đến việc tốt nghiệp và thi tuyển sinh vừa qua có một số thay đổi. Từ kết quả thay đổi đó thì mới thay đổi kỳ thi 2015 tới đây. Phương án mà năm nay triển khai, năm 2016 sẽ rõ hơn nữa, 2017 sẽ rõ hơn nữa. Vì vậy năm sau sẽ tiếp tục thay đổi nhưng thay đổi đúng hướng. Chúng ta đi theo lộ trình, mô hình mà phương án dạy, học, phương án thi cử theo chương trình mới”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay.

ADQuảng cáo

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết thêm, Bộ không có chủ trương gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng làm một kỳ thi mà tổ chức kỳ thi quốc gia với mục đích xét tốt nghiệp và làm cơ sở để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.

Những khó khăn, bất cập khi triển khai phương án kỳ thi quốc gia, đề thi được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đoàn Hòa Bình nói: “Khi đưa ra phương án mới với hai mục đích như Bộ trưởng vừa phân tích thì xin hỏi, Bộ có lường trước được những khó khăn bất cập, những hạn chế của phương án mới này hay không và nếu có xin Bộ trưởng cho biết một số điểm khó khăn hạn chế chính đối với phương án thi mới này và phương án khắc phục những hạn chế đó”.

Về những khó khăn khi triển khai kỳ thi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định đó chính là sức ỳ và thói quen của giáo viên, học sinh và tâm lý của cả xã hội. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai công tác tuyên truyền để học sinh, giáo viên và người dân hiểu rõ hơn về những đổi mới trong kỳ thi này và cùng phối hợp với ngành để thực hiện. Về đề thi, mọi công việc đã được Bộ chuẩn bị với mục tiêu cao nhất là không gây sự thay đổi cho học sinh.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Chúng tôi chủ động hoàn toàn việc đề thi và khẳng định những thay đổi trong đề thi không làm các em học sinh bất ngờ, khó khăn lúng túng mà chỉ có những tác động tích cực giống như kỳ thi 2014 đã tổ chức. Các em học sinh không phải học thuộc lòng, có mang tài liệu vào giở ra cũng không có tác dụng vì trong đề thi đã cho đầy đủ thông số. Vấn đề là kiểm tra năng lực nhận thức, năng lực hiểu biết chứ không phải kiểm tra học thuộc lòng”.

Bộ trưởng GD&ĐT cũng cho biết, chủ trương miễn thi môn Ngoại ngữ cho một số đối tượng sẽ được Bộ cân nhắc và sẽ thông báo sớm cho thí sinh. Việc tổ chức thành 2 cụm thi công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi vẫn đảm bảo nghiêm túc như nhau, đề thi giống nhau để tạo sự bình đẳng và kết quả thi đánh giá đúng trình độ thí sinh. Tiêu chí chọn cụm thi quốc gia là phải dựa trên điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên và đảm bảo học sinh không phải di chuyển quá xa đến các cụm thi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận giải trình về đổi mới kỳ thi quốc gia 2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO