Bố trí, sử dụng biên chế trong ngành giáo dục: Bài toán đang cần lời giải

Đức Diệu| 26/09/2014 10:24

Bước vào năm học 2014 - 2015, một trong những vấn đề đang được nhiều người quan tâm, đó là làm sao để bố trí, sắp xếp và phân bổ biên chế giáo viên trong các cấp học một cách hợp lý, đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy hiện nay. Tuy nhiên, “bài toán” này xem ra chưa thể giải quyết ngay trong ngày một, ngày hai vì nhu cầu biên chế cần bổ sung theo báo cáo từ các địa phương là khá lớn.

ADQuảng cáo

Nghịch lý thiếu... thừa

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo, trong năm học 2014 - 2015, từ bậc mầm non đến THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên, toàn tỉnh có 360 trường, 4.898 lớp với 150.590 học sinh; 11.123 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 8.774 giáo viên đứng lớp đều đã đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn.

Vì thiếu biên chế nên giáo viên trường THPT Nguyễn Chí Thanh, đang phải dạy thêm, dạy kê để đảm bảo kế hoạch. Ảnh: Đ.D

Tuy nhiên, theo nhu cầu đề xuất từ các địa phương thì hiện toàn tỉnh còn thiếu khoảng hơn 250 biên chế, chủ yếu là giáo viên bậc học mầm non để đảm bảo công tác dạy học theo chương trình đào tạo hiện nay. Nguyên nhân là do số lượng học sinh ở cấp học mầm non tăng nhanh, các địa phương phải mở thêm trường, lớp để đáp ứng nhu cầu giảng dạy.

Cụ thể, trong năm học này, toàn tỉnh tăng 6 trường, 90 lớp và 1.765 học sinh so với năm học trước, chủ yếu tập trung vào cấp học mầm non ở một số địa bàn huyện Tuy Đức, Đắk Glong, Krông Nô... Bên cạnh đó, do đặc thù là tỉnh miền núi vùng cao, vùng xa nên cơ cấu mạng lưới trường, điểm trường cũng phải bố trí dàn trải để thuận tiện theo điều kiện dân cư nên tỷ lệ biên chế giáo viên trên số lượng học sinh khá thấp.

Có trường, mỗi lớp, giáo viên chỉ phụ trách giảng dạy khoảng 15 học sinh, trong khi tỷ lệ bình quân hiện khoảng 27 đến 29 học sinh/giáo viên. Từ đây, nhu cầu về biên chế tăng cao khi tỷ lệ học sinh vùng sâu, vùng xa tăng.

Điều đáng nói là bên cạnh sự thiếu hụt trầm trọng giáo viên bậc mầm non thì một số bộ môn ở các cấp học khác lại đang xảy ra tình trạng thừa giáo viên cục bộ. Tuy số giáo viên thừa ở các cấp học này chưa trở thành thực trạng báo động nhưng trong điều kiện hiện nay, để giải quyết bài toán này lại đang là một vấn đề khó. Bởi vì, do đặc thù của từng cấp giảng dạy nên số giáo viên của cấp học này không thể luân chuyển, điều tiết sang cấp học khác hoặc bộ môn khác cùng cấp.

Đơn cử như do chương trình giáo dục cũ, một giáo viên trước đây được đào tạo kiêm nhiệm một lúc nhiều môn như văn - giáo dục công dân; sinh học - kỷ thuật - nghề; toán -  tin; sử - địa… Trong chương trình giảng dạy hiện nay đòi hỏi mỗi bộ môn chỉ có một giáo viên chuyên biệt nên các trường đã phải tuyển dụng đủ để đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Quá trình tuyển dụng đủ ở một số bộ môn này lại dẫn đến thừa giáo viên ở bộ môn khác.

Từ đây, xảy ra một thực tế là xét chung toàn tỉnh thì số lượng biên chế cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy trên tỷ lệ dân số, học sinh trong độ tuổi đến trường theo quy định, nhưng xét riêng biệt ở cấp mầm non và một số bộ môn ở các cấp học khác lại đang thiếu. Tình trạng thiếu, thừa này bản thân các địa phương không thể tự điều phối, điều hòa mà bắt buộc phải bổ sung thêm biên chế để đáp ứng nhu cầu giảng dạy.

Vì chưa có giáo viên thể dục và mỹ thuật nên Trường Tiểu học N'Trang Lơng (Gia Nghĩa) phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm

Giải pháp trước mắt

ADQuảng cáo

Theo Sở Nội vụ, chỉ tiêu biên chế theo định mức phân bổ trong năm học này cho ngành giáo dục gần như đã phân bổ hết và phải “đóng khung” đến hết năm 2016 theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 3286/BNV, ngày 17/9/2013 của Bộ Nội vụ. Theo công văn này thì từ nay đến hết năm 2016, các địa phương trong cả nước cơ bản giữ nguyên bộ máy, biên chế, trừ trường hợp tăng theo đề án, lộ trình thành lập, mở rộng.

Vì chưa xây dựng được đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp nên năm học 2014 - 2015, không riêng gì cấp học mầm non mà tất cả các cấp học gần như không có trường hợp phân bổ chỉ tiêu biên chế. Có chăng chỉ Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) năm nay tăng thêm 2 lớp 12 theo lộ trình với nhu cầu cần thêm 17 biên chế nhưng tỉnh cũng chỉ bổ sung được 10 biên chế thuộc nguồn dự phòng.

Việc bổ sung khoảng 250 biên chế cho ngành giáo dục theo đề xuất từ các địa phương là điều chắc chắn chưa thể thực hiện. Trước thực trạng này, để đảm bảo công tác giảng dạy, nhất là thực hiện thành công mục tiêu phổ cập bậc học mầm non vào năm 2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trì tổng hợp, rà soát lại nhu cầu giáo viên thực tế ở các địa phương để phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho tỉnh hướng giải quyết kịp thời.

Theo ông Trương Anh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đạo tạo thì hiện đơn vị đã thống kê xong nhu cầu biên chế của từng địa phương, đồng thời đang tiến hành rà soát để đề xuất giải pháp cụ thể trình UBND tỉnh. Tại cuộc họp liên ngành do Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trì mới đây, cơ bản các ý kiến đều thống nhất phương án trước mắt sẽ giao cho các địa phương chủ động tuyển dụng cán bộ, giáo viên theo hình thức hợp đồng để đảm bảo nhu cầu giảng dạy cho năm học. Số kinh phí trả lương cho giáo viên hợp đồng này sẽ do ngân sách địa phương cân đối, đảm nhận.

Giờ thể dục của học sinh Trường Tiểu học N'Trang Lơng (Gia Nghĩa)

Hướng đến mục tiêu "rõ người, kín việc"

Rõ ràng, việc thiếu giáo viên cục bộ ở một vài cấp, bộ môn học như đã nêu ngoài nguyên nhân tăng cơ học về quy mô dân số còn có nguyên nhân do điều kiện “lịch sử” để lại. Vì vậy, để giải quyết bài toán này một cách hiệu quả, tỉnh phải tính đến lộ trình dài hơi bằng việc sắp xếp nguồn nhân lực ngành theo hướng “rõ người, kín việc”.

Nhiều ý kiến cho rằng, để chủ động trong bố trí biên chế hàng năm, nhất thiết, tỉnh phải sớm hoàn thiện đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp trên địa bàn theo giai đoạn, lộ trình cụ thể. Từ đề án này, chúng ta mới bám sát chương trình giáo dục để chủ động dự trù nguồn lực, trong đó có nguồn lực về con người để đáp ứng kịp thời nhu cầu dạy học hàng năm.

Mặt khác, để nguồn nhân lực được “đặt đúng chỗ”, phát huy hiệu quả, theo Sở Nội vụ thì sắp tới, tỉnh sẽ triển khai xây dựng, áp dụng mô hình vị trí việc làm trong ngành giáo dục. Trên cơ sở mô tả vị trí việc làm, tất yếu sẽ phản ánh rõ hiệu quả sử dụng biên chế của các cơ sở giáo dục. Từ đây, các đơn vị phải đưa ra hướng điều chỉnh, bổ sung hợp lý cán bộ, giáo viên tại đơn vị mình, từng bước khắc phục tình trạng thiếu, thừa như hiện nay.

Chưa kể đến, với việc đổi mới chương trình giáo dục theo lộ trình, chắc chắn, số lượng biên chế ngạch giáo viên sẽ có biến động ở một số vị trí, môn học. Đơn cử như theo chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì sau năm 2015, bộ sẽ triển khai chương trình sách giáo khoa mới theo hướng thiết kế các môn học ở hai hình thức bắt buộc và tự chọn. Điều này chắc chắn sẽ phải kéo theo sự thay đổi về số lượng giáo viên.

Từ thực tế trên cho thấy, vấn đề phân bổ, sắp xếp và bố trí biên chế trong ngành giáo dục một cách chủ động, hợp lý, khoa học đang là yêu cầu cần thiết đặt ra nhằm phát huy hiệu quả quản lý, giảng dạy, tránh lãng phí nguồn lực con người.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bố trí, sử dụng biên chế trong ngành giáo dục: Bài toán đang cần lời giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO