Bất cập mô hình VNEN (Kỳ 1): Cơ sở vật chất chưa bảo đảm

Ngọc Dũng| 07/11/2016 11:19

Từ năm học 2014-2015, ngành Giáo dục bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN) đại trà tại các trường tiểu học và một số trường THCS trong tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, việc triển khai mô hình VNEN bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến việc dạy và học ở các trường.

ADQuảng cáo

Để thực hiện hiệu quả mô hình VNEN đòi hỏi nhiều yếu tố về đội ngũ giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất…Thế nhưng, trong khi điều kiện cơ sở vật chất chưa bảo đảm, nhưng nhiều trường vẫn triển khai áp dụng mô hình VNEN, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Qua thí điểm chỉ mới khuyến khích

Thực hiện chủ trương chung, từ năm học 2012-2013, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Đắk Nông cho triển khai dạy thí điểm theo mô hình VNEN ở 14 trường tiểu học. Ban đầu, qua quá trình triển khai thí điểm, mô hình VNEN thể hiện được những ưu việt là phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh.

Điểm nổi bật là cách đánh giá hướng đến mục đích vì sự tiến bộ của học sinh, giúp học sinh hình thành được khả năng phối hợp, làm việc nhóm. Học sinh hiểu sâu nội dung thông qua việc tự học, trao đổi với bạn và hỗ trợ của giáo viên.

Giáo viên cũng được bổ sung phương pháp đánh giá học sinh theo tinh thần đổi mới của Bộ GD-ĐT. Đối với cán bộ quản lý được bổ sung hình thức giám sát, đánh giá tiết dạy của giáo viên thông qua việc kiểm tra kiến thức, năng lực, phẩm chất thực tế của học sinh đạt được sau tiết học.

Một trong những đặc điểm của việc tổ chức dạy học theo mô hình VNEN là chia thành từng nhóm

Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT đã có công văn khuyến khích những trường đủ điều kiện đăng ký áp dụng mô hình VNEN trong dạy học, nhưng phải linh động và phù hợp với điều kiện thực tế của lớp, của trường. Đến năm học 2014-2015, tất cả 8 huyện, thị xã đã áp dụng đại trà dạy học mô hình VNEN từ khối lớp 2 đến khối lớp 5.

Đến đầu năm học 2016-2017, ngành Giáo dục có văn bản đề nghị các huyện, thị xã tổ chức rà soát, đánh giá nghiêm túc kết quả thực hiện mô hình VNEN. Theo đó, ngành Giáo dục “khuyến khích những đơn vị đủ điều kiện tiếp tục thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không áp đặt, bảo đảm đạt hiệu quả thiết thực”. Đối với những cơ sở không thực hiện mô hình VNEN có thể lựa chọn một số thành tố tích cực để bổ sung vào việc đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện.

Triển khai theo... phong trào

Một trong những đặc điểm của việc tổ chức dạy học theo mô hình VNEN là chia thành từng nhóm, mỗi nhóm khoảng 5-6 học sinh ngồi xoay bàn vào nhau để dễ dàng cho việc thảo luận. Tuy nhiên, nhiều trường có số lượng học sinh/lớp đông, phòng học lại chật hẹp, khó khăn về nhiều mặt, nhưng vẫn áp dụng VNEN vì chạy theo...phong trào.

Điển hình, tại Trường tiểu học Quảng Sơn ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) hàng năm luôn trên 50% học sinh là dân tộc thiểu số. Mặc dù có 16 phòng mượn để học nhờ nhưng năm học 2014-2015, trường triển khai áp dụng mô hình VNEN cho khoảng 50% số lớp và sử dụng sách giáo khoa hiện hành.

ADQuảng cáo

Đến năm học 2016-2017, trường triển khai đại trà từ lớp 2 đến lớp 5 và sử dụng sách VNEN. Thế nhưng, vì thiếu phòng học và giáo viên nên trường phải thực hiện dồn lớp và chỉ dạy học 5 buổi/tuần cho các lớp học theo mô hình VNEN.

Cùng với đó, hầu hết các lớp, nhất là khối lớp 4 đều có đến 40 học sinh/lớp, vượt quá so với quy định. Học sinh đông, phòng học lại chật hẹp nên giáo viên rất khó khăn trong việc quan sát và di chuyển để hỗ trợ cho học sinh khi không hiểu bài.

Theo lãnh đạo nhà trường, vì đông học sinh dân tộc thiểu số nên việc áp dụng mô hình VNEN rất khó để nâng cao chất lượng. Nhưng khi được hỏi, lãnh đạo nhà trường lại cho rằng, so với mặt bằng chung của huyện, trường là một trong những đơn vị có điều kiện thuận lợi hơn. Nhiều trường trên địa bàn có cơ sở vật chất còn khó khăn hơn, 100% học sinh dân tộc thiểu số nhưng vẫn triển khai nên so sánh tương quan thì trường “vào thế” phải thực hiện.

Mỗi lớp mỗi kiểu

Tại thị xã Gia Nghĩa, mặc dù không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhưng nhiều trường vẫn triển khai áp dụng mô hình VNEN một cách máy móc.

Trường tiểu học Lê Hồng Phong ở phường Nghĩa Thành áp dụng đại trà mô hình VNEN cho khối lớp 2 đến lớp 5 từ năm học 2016-2017. Điều đáng nói, cùng trong một trường nhưng giáo viên các lớp lại có cách tiếp nhận và áp dụng khác nhau.

Phòng chật, học sinh đông, giáo viên Trường tiểu học Lê Hồng Phong khó khăn trong di chuyển để hỗ trợ các nhóm. Ảnh: Nguyễn Hiền

Có dịp tham dự một tiết học của lớp 2A2, chúng tôi thấy học sinh được chia thành 9 nhóm, nhưng do phòng học chật chội nên việc trang trí lớp và tổ chức các hoạt động rất hạn chế. Ban giám hiệu, giáo viên dự giờ phải đứng ngoài hành lang để theo dõi.

Cô Trương Thị Cúc, chủ nhiệm lớp 2A2 cho biết, do học sinh đông nên giáo viên di chuyển giữa nhóm này đến nhóm khác rất khó khăn, lắm lúc phải lách, nghiêng người di chuyển trong lớp nhằm hỗ trợ cho học sinh ở các nhóm. Không chỉ riêng lớp 2A2 mà 3 lớp khác học trong phòng cấp 4 cũng chung cảnh ngộ.

Trong khi đó, cô giáo Lê Thị Hằng, chủ nhiệm lớp 5A2 ở phòng học kiên cố, rộng rãi lại cho rằng: “Qua tập huấn đầu năm, giáo viên cần linh động thực hiện mô hình VNEN, chứ không phải nhất thiết chia theo từng nhóm. Mình phải làm sao để học sinh đạt kết quả cao nhất. Sau một thời gian ngồi theo nhóm thấy không hiệu quả, nhiều phụ huynh ý kiến nên tôi đã cho học sinh ngồi theo truyền thống. Khi thực hiện thảo luận thì học sinh cũng có thể quay lại ngồi đối diện với nhau”.

Có thể nói, cùng trong một trường, nhưng mỗi giáo viên lại có cách tiếp nhận và vận dụng khác nhau. Theo bà Lê Thị Xuân, quyền Trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Gia Nghĩa, vào đầu năm, đơn vị có văn bản chỉ đạo các trường vận dụng linh hoạt mô hình VNEN. Đối với những trường không bảo đảm về cơ sở vật chất, chỉ nên áp dụng những cái hay chứ không bắt buộc thực hiện nguyên mẫu mô hình VNEN, nhất là cách sắp xếp bàn ghế. Tuy nhiên, một số trường có bàn ghế, phòng học chưa bảo đảm vẫn thực hiện việc chia nhóm khi giảng dạy. Trong thời gian tới, phòng sẽ tiến hành kiểm tra để chấn chỉnh.

(Kỳ 2: Học sinh chưa phù hợp vẫn thực hiện đại trà)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập mô hình VNEN (Kỳ 1): Cơ sở vật chất chưa bảo đảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO