Xây nhà nuôi chim yến ở Đắk Nia

Phan Tuấn| 25/11/2015 09:40

Nhắc tới chim yến, nhiều người vẫn nghĩ rằng đây là loài chim chỉ sống ở những vách đá cheo leo vùng biển, hải đảo. Thế nhưng, vài năm gần đây, ông Lầu Sây Phu, ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đã “dụ” được chim yến từ miền biển về đây cư ngụ và có nguồn thu nhập khá cao.

“DỤ” CHIM YẾN VỀ

Theo lời ông Lầu Sây Phu kể, cách đây 5 năm, khi đến nhà của một người bạn ở Đồng Nai thì ông biết đến mô hình nuôi chim yến. Thấy ông tò mò tìm hiểu với ý định muốn mang chim yến lên cao nguyên để nuôi, người bạn đã nhiệt tình “chuyển giao công nghệ”. Sau đó, ông cùng người bạn mang máy móc, thiết bị từ Đồng Nai lên xã Đắk Nia để dò tìm, “dụ” chim yến về.

Lúc bấy giờ, các ông tìm kiếm một địa điểm thật cao trong rẫy để dựng loa đài với hy vọng âm thanh phát đi sẽ “dụ” được chim yến từ biển bay về đây. Ông Phu như “phát điên” lên vì sung sướng khi tiếng kêu của chim yến vừa được dàn âm thanh phát đi đã lập tức có vài cặp chim yến bay về.

Sau đó, ông Phu liền bàn với vợ quyết tâm xây dựng nhà để nuôi chim yến. Được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của người bạn, ông Phu xây một dãy nhà bằng bê tông có chiều ngang 4m, dài 12m và cao 14m, trang bị hệ thống phun sương tạo độ ẩm. Đặc biệt, nhà nuôi chim yến còn được trang bị dàn âm thanh hiện đại để phát tiếng kêu của chim yến đi khắp thung lũng nhằm mời gọi đàn yến bay về cư ngụ. Chi phí mà gia đình ông đầu tư cho công trình này hết khoảng 300 triệu đồng.

Tổ yến-sản phẩm từ nhà nuôi yến của ông Phu ở Đắk Nia

Ông Phu cho biết: “Lâu nay, ai cũng chỉ biết chim yến sống ở những tỉnh miền biển có độ cao dưới 500m so với mực nước biển, với khí hậu nắng ấm. Thật không thể nào ngờ được ở nơi có độ cao trên 1000m như xã Đắk Nia cũng xuất hiện chim yến. Vì vậy, gia đình tôi đã quyết tâm đầu tư vốn liếng để xây dựng mô hình nuôi chim yến trên cao nguyên”.

THU “VÀNG TRẮNG” HÀNG NĂM

Chỉ chưa đầy một năm, sau khi những cặp chim yến đầu tiên bay đến cư ngụ thì đã nhanh chóng kéo theo và sản sinh ra cả hàng trăm cặp chim yến khác. Mỗi đôi chim yến hàng năm sinh sản từ 2-3 lần, mỗi lần sinh 2 con. Cứ thế, đàn yến sinh sôi nảy nở theo cấp số nhân và người nuôi có nguồn thu nhập khá lớn từ tổ yến.  

Theo ông Phu, công việc nuôi chim yến hết sức đơn giản, không phải mất thời gian, công sức để chăm nom, cho ăn, cho uống như các loại gia súc gia cầm khác. Ngoài đầu tư ban đầu để xây dựng chuồng trại thì hàng tháng, ông chỉ tốn chi phí điện để thắp sáng, phát loa đài, chạy máy phun sương…

Hiện nay, mô hình nuôi chim yến của gia đình ông mỗi năm thu về khoảng 8 kg tổ yến, với giá bán vào khoảng  25 triệu đồng/kg thì đem lại nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng, trong khi chi phí sản xuất chỉ mất có vài triệu đồng.

Sau hơn 5 năm gắn bó với nghề nuôi chim yến, ông Phu nhận định: “Chim yến có thể sống và sinh sản rất tốt ở vùng đất Đắk Nông. Ngoài môi trường trong lành thì đây cũng là nơi có nhiều thức ăn mà loài chim này không phải lo cạnh tranh như ở vùng biển. Vì vậy, chỉ cần xây dựng mô hình nuôi chim yến có quy mô nhỏ và thu hút được yến về ở thì người nuôi dễ dàng có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây nhà nuôi chim yến ở Đắk Nia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO