Giáo dục - Đào tạo

Quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

Đức Diệu - Việt Dũng 04/09/2022 20:26

Bước vào năm học mới 2022-2023, Đắk Nông đã tập trung nguồn lực cho công tác chuẩn bị với tâm thế tự tin chinh phục thêm những mục tiêu, thành quả về giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ mục tiêu phát triển.

hinh-4(1).jpg

Bước vào năm học mới 2022-2023, Đắk Nông đã tập trung nguồn lực cho công tác chuẩn bị với tâm thế tự tin chinh phục thêm những mục tiêu, thành quả về giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ mục tiêu phát triển.

hoa-van.jpg
tit1(1).jpg

Theo thống kê, năm học 2022-2023 toàn tỉnh có 368 cơ sở giáo dục, với khoảng 184.135 học sinh, tăng 8.508 học sinh so với năm học 2021-2022.

hinh2(3).jpg

Cụ thể, bậc Mầm non dự tính có 27.379 học sinh theo học, tăng so với năm học 2021-2022 là 1.455 học sinh. Bậc Tiểu học có 74.989 học sinh theo học, tăng so với năm học 2021-2022 là 683 học sinh. Cấp THCS dự tính có 47.080 học sinh theo học, tăng 1.986 học sinh so với năm học 2021-2022. Cấp THPT có 24.192 học sinh theo học, tăng so với năm học 2021-2022 là 1.883 học sinh. Hệ Giáo dục thường xuyên có 1.319 học sinh theo học, tăng so với năm học 2021-2022 là 93 học sinh.

hinh-3.png

Như vậy, năm học 2022-2023, quy mô học sinh tăng ở tất cả các cấp học, trong đó, tăng cao nhất là cấp THCS, tiếp đến là cấp THPT và cấp học mầm non. Điều này cũng thể hiện rõ sự phát triển dân số, nhu cầu học tập ở Đắk Nông.

hinh-4(2).jpg

Quy mô học sinh tăng, kéo theo tỷ lệ thuận với nhu cầu cơ sở vật chất giáo dục, nhất là quy mô trường, lớp nhằm đáp ứng yêu cầu học tập của con em.

Dự kiến quy mô phát triển năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 326 cơ sở giáo dục công lập. Trong đó, cấp mầm non có 90 trường với 957 lớp; cấp tiểu học có 119 trường với 2.392 lớp; cấp THCS có 77 trường với 1.208 lớp, trong đó có 52 trường THCS, 15 trường liên cấp TH-THCS; Cấp THPT có 31 trường với 596 lớp, trong đó có 1 trường THPT chuyên, 8 trường dân tộc nội trú, 22 trường THPT công lập; hệ Giáo dục thường xuyên có 7 trung tâm với 48 lớp.

hinh-5.png

Chuẩn bị cho năm học 2022-2023, các địa phương trong tỉnh đã ưu tiên bố trí kinh phí để tập trung đầu tư xây dựng mới, sửa chữa các phòng học, phòng chức năng và mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ năm học 2022-2023, ước tính khoảng 329,73 tỷ đồng. Cụ thể, số phòng học xây dựng mới, cải tạo sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất trường học là 262,25 tỷ đồng.

hinh-6.png

Cùng với nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, các địa phương, cơ sở giáo dục đã tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển sự nghiệp giáo dục. Điển hình, huyện Đắk Mil đã huy động được 1,56 tỷ đồng hỗ trợ cơ sở vật chất trường học. Huyện Tuy Đức huy động được 2,21 tỷ đồng thực hiện sửa chữa sân bê tông, mái che, tường rào, mua sắm bổ sung một số thiết bị dạy học. Huyện Đắk Glong đã huy động xã hội hóa xây dựng 6 phòng học tại Trường mẫu giáo Hoa Lan với kinh phí là 2 tỷ đồng. Huyện Đắk Song huy động được 9,3 tỷ đồng sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, xây dựng mới 13 phòng học. Huyện Krông Nô huy động được gần 400 triệu đồng thực hiện sửa chữa sân, hàng rào và các cơ sở vật chất khác….

hinh-8.jpg
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Gia Nghĩa) được đầu tư xây mới dãy phòng học cao tầng kiên cố

Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, cùng với đầu tư về cơ sở vật chất, ngành Giáo dục đã ưu tiên kinh phí mua sắm sách giáo khoa, vở viết và thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục. Toàn ngành GD-ĐT dự kiến thực hiện các gói thầu mua sách vở cấp phát cho học sinh dân tộc thiểu số; thiết bị mầm non, bàn ghế học sinh và bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị chương trình phổ thông mới, thiết bị hỗ trợ học trực tuyến với số kinh phí là 67,48 tỷ đồng.

hinh-9.jpg
Trường tiểu học Tô Hiệu (xã Đắk Nia) kêu gọi sự hỗ trợ từ các nguồn để học sinh có sách vở đầu năm học mới

Cũng theo ông Hải, để chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, ngay sau khi kết thúc năm học 2021-2022, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường THPT trên toàn tỉnh chủ động xã hội hóa giáo dục và từ nguồn vốn chi thường xuyên của các trường để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các phòng học, phòng chức năng, lớp học, nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị dạy học… đáp ứng yêu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và duy trì trường đạt chuẩn quốc gia.

Đối với các trường từ mầm non đến THCS, nguồn kinh phí thực hiện phụ thuộc vào phòng GD-ĐT, các địa phương và nguồn kinh phí chi thường xuyên của trường nên trong thời gian nghỉ hè, các trường đã chủ động sửa chữa, nâng cấp, sẵn sàng cho năm học mới 2022-2023.

hinh-10.png

Ngoài đầu tư mở rộng quy mô trường, lớp, năm học 2022-2023, Đắk Nông cũng đã đầu tư 67,48 tỷ đồng mua sắm sách giáo khoa, vở viết và thiết bị dạy học phục vụ nhu cầu dạy, học của giáo viên, học sinh.

hoa-van.jpg
tit2(1).jpg

Năm học 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra tại nhiều địa phương của tỉnh. Để khắc phục tình trạng này, ngành GD-ĐT và các địa phương đang chủ động triển khai nhiều giải pháp.

Năm học học 2022-2023, Đắk Nông có 10.284 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. So với định mức, toàn tỉnh thiếu 966 người, chủ yếu là giáo viên. Trong đó, bậc mầm non thiếu 217 người; bậc tiểu học thiếu 387 người; bậc THCS thiếu 245 người và bậc THPT thiếu 117 người.

hinh11.jpg
hinh-12.jpg
Giáo viên mầm non huyện Đắk R'lấp trang trí lớp học

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT, mặc dù năm học 2022-2023, tỉnh Đắk Nông được cấp bổ sung 115 biên chế giáo viên nhưng so với thực tế còn thiếu khá nhiều. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, UBND tỉnh đã đề nghị các huyện, thành phố nhanh chóng tuyển dụng số lượng biên chế chưa được tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ dạy và học hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố triển khai xây dựng kế hoạch điều chuyển giáo viên mầm non, phổ thông công lập từ trường thừa cục bộ sang trường thiếu giáo viên; từ trường thiếu ít giáo viên sang trường thiếu nhiều giáo viên.

Ngoài việc tăng cường công tác phân công giáo viên, nhân viên thực hiện chế độ kiêm nhiệm ở các trường thiếu biên chế, ngành GD-ĐT tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên trường học được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn để chuyển đổi vị trí việc làm thành giáo viên.

hinh-13.jpg
Đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm thêm một số bộ môn là một trong những giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cục bộ

Ngành GD-ĐT tiếp tục tăng cường các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đối với các trường ở xa trung tâm để thu hút học sinh. Tránh tình trạng học sinh vượt tuyến, gây quá tải về số lượng các trường tại trung tâm, giảm áp lực thiếu giáo viên tại các đơn vị này.

hinh14.jpg

Những khối lớp triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ ưu tiên bảo đảm đủ số lượng giáo viên dạy theo định mức quy định từng cấp học. Trường hợp chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức thì triển khai Phương án bồi dưỡng giáo viên tiểu học (dạy môn chung) có thể dạy cả những môn: Giáo dục thể chất, phân môn Công nghệ trong môn Tin học và Công nghệ. Các trường tạo điều kiện cho giáo viên, nhân viên học văn bằng 2 sư phạm về chuyên ngành tiếng Anh, Tin học để bố trí dạy môn tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học.

hinh-15.jpg
Chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh trước năm học mới

UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh điều tiết số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập giữa các địa phương cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, cùng với những giải pháp khắc phục trước mắt, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo cơ quan tham mưu Chính phủ xem xét, không cắt giảm số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của tỉnh Đắk Nông năm 2022 và các năm tiếp theo.

hinh16.jpg
hoa-van.jpg
tit3(1).jpg

Năm học 2022-2023, Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2022-2023 là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm.

hinh-17.png

Trên cơ sở mục tiêu chung đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2022-2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương, trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể.

               Ngành Giáo dục cần quyết liệt, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ các nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông.

Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

UBND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục, các địa phương thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên gắn với việc triển khai thực hiện Chương trình số 28-CTr/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng dạy học gắn với việc triển khai Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, chương trình phát triển giáo dục và đào tạo phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.

hinh-20.jpg
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) luyện tập nghi thức chuẩn bị cho Lễ khai giảng năm học mới

Các cơ sở giáo dục xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng.

hinh-21.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh làm việc với lãnh đạo huyện Đắk Song để nắm bắt công tác chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023

Các địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục thích ứng với tình hình dịch Covid-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Chủ động, linh hoạt để thích ứng với tình hình thiên tai, dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Tham mưu UBND tỉnh ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

hinh-22.jpg
Mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới đã được các địa phương hoàn thành

Bên cạnh việc tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng giáo viên, bảo đảm số lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tạo điều kiện tốt nhất về đội ngũ để ngành Giáo dục, các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022-2023.

Thực hiện: Đức Diệu-Việt Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO