Du lịch đón buổi… hừng đông

Hà An| 30/12/2016 10:23

Dù đã có hàng loạt chủ trương, chính sách về du lịch nhưng sau nhiều năm, du lịch Đắk Nông vẫn chỉ “cố thủ” ở dạng tiềm năng mà chưa tìm được hướng đi mang tính khả thi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là trong năm 2016, bằng những hoạt động cụ thể, bước đầu đang hé mở cho ngành du lịch những triển vọng mới. Đây được xem như “hừng đông” báo hiệu ngày mới đầy ánh sáng của ngành du lịch.

ADQuảng cáo

Du khách tham quan thác Đray Sáp (Krông Nô). Ảnh: Văn Tâm

Từ “cố thủ”

Đánh giá về kết quả phát triển du lịch của Đắk Nông thời gian qua, nhiều người ví von một câu là chúng ta làm rất tốt nhiệm vụ “cố thủ”. Bởi chừng ấy thời gian, với khá nhiều chủ trương, dự án nhưng lĩnh vực này vẫn “bình chân như vại”. Các tiềm năng phát triển du lịch gần như ở dạng “bảo toàn” chứ chưa có sự chuyển biến nhiều trong khai thác, phát huy.

Trên thực tế, trong suốt những năm qua, du lịch luôn được tỉnh quan tâm cả về chủ trương, quyết sách với mục tiêu xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong các nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, du lịch luôn được đưa vào nghị quyết với vai trò là một trong 3 lĩnh vực kinh tế chủ lực. Từ đây, chúng ta cũng đã đồng ý chủ trương cho nhiều nhà đầu tư vào tỉnh tham gia phát triển du lịch.

Tuy nhiên, sau nhiều năm, du lịch dường như vẫn chưa thoát khỏi “vòng luẩn quẩn” khi mà các điểm du lịch vẫn chủ yếu “rào cổng thu vé” chứ chưa có sự đầu tư đúng tầm. Khách tham quan các điểm du lịch trên địa bàn tuy có tăng lên hằng năm nhưng phần lớn là khách tự phát, tự tổ chức tham quan, đến rồi đi chứ chưa có các sản phẩm du lịch, các tour, tuyến để phục vụ, giữ khách ở lại qua đêm. Vì vậy, đóng góp từ du lịch cho nền kinh tế là không đáng kể. Từ đây, du lịch gần như vẫn “đứng ngoài cuộc” trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Chính vì ít có sự thay đổi mà nhận xét về ngành du lịch thời gian qua đang trong giai đoạn “cố thủ” cũng không có gì khó hiểu.

Đến… “tiến công”

Gần đây, du lịch Đắk Nông bắt đầu có những thay đổi quan trọng trong chủ trương, cách làm, bước sang một trang mới, chuyển từ “cố thủ” sang “tiến công” từ nói sang làm... Đó là nhận xét của các nhà chuyên môn, doanh nghiệp và cả chính quyền trong thời gian gần đây.

Bởi xét trên góc độ chủ trương, chính sách, trong năm 2016, Đắk Nông đã chuyển hướng từ ưu tiên hỗ trợ nhà đầu tư về đất đai, hạ tầng giao thông và một số chính sách ưu đãi khác thì nay, tỉnh đang tập trung tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức tự khảo sát, đưa ra chiến lược phát triển phù hợp trên cơ sở định hướng và sự hỗ trợ về cơ chế của tỉnh.

Rõ nhất là giữa năm 2016, tỉnh đã đồng ý chủ trương cho một số công ty lớn vào địa bàn khảo sát tour, tuyến. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh chủ trì mở hội thảo chuyên đề để tranh thủ ý kiến các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong việc đưa ra kịch bản khả thi cho phát triển du lịch Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Trong năm 2016, Đắk Nông cũng đã hợp tác với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh xây dựng Đề án về chiến lược tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, tầm nhìn 2030; nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực tỉnh Đắk Nông và tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016-2020…

Đây chính là cơ sở để tỉnh có kế hoạch phân đoạn phát triển du lịch một cách phù hợp với thực tiễn tiềm năng, nguồn lực. Mới đây nhất, UBND cũng thống nhất mở 3 tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh gồm: TP. Hồ Chí Minh - Gia Nghĩa - Tà Đùng - TP. Đà Lạt - TP. Phan Thiết; TP. Hồ Chí Minh - Gia Nghĩa - Đắk Song - Đắk Mil - TP. Buôn Ma Thuột và tuyến TP. Hồ Chí Minh - Gia Nghĩa - Chư Jút - Krông Nô - TP. Buôn Ma Thuột. Tuy chưa có những sản phẩm du lịch phục vụ du khách nhưng đây là hoạt động cụ thể, rõ ràng nhất của ngành du lịch tỉnh từ trước đến nay, mở ra hướng mới cho lộ trình thu hút, kêu gọi đầu tư các điểm tour và các sản phẩm du lịch.

Và những kế hoạch dài hơi

Theo UBND tỉnh, để xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, thời gian tới, ngoài việc làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh, Đắk Nông sẽ ký kết hợp tác với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thiết kế và được Trung ương thống nhất một số chương trình quảng bá, kết nối du lịch gắn với hoạt động văn hóa, lịch sử của địa phương mang tính dài hơi.

Cụ thể, trong năm 2017, vào 30/10, tỉnh sẽ tổ chức lễ khởi công Khu di tích lịch sử quốc gia để ghi công các anh hùng liệt sĩ tại điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ tại thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Tỉnh cũng đã làm việc với Đài Truyền hình Việt Nam và được đồng ý sẽ truyền hình trực tiếp chương trình này trên phạm vi toàn quốc. Đây không chỉ là dịp để tôn vinh, ghi tạc công ơn các anh hùng liệt sĩ mà còn là dịp quảng bá, giới thiệu đến mọi người một địa điểm du lịch lịch sử của Đắk Nông trên địa bàn Gia Nghĩa.

Sang năm 2018, một trong những hoạt động nổi bật đó là Đắk Nông sẽ đệ trình hồ sơ lên UNESCO công nhận hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là Công viên địa chất toàn cầu. Sang năm 2019, sự kiện nổi bật và ghi dấu ấn trong văn hóa Đắk Nông đang được tỉnh chuẩn bị đó là tổ chức lễ hội Festival thổ cẩm Đắk Nông… Để chuẩn bị tập dượt cho chương trình tầm cỡ này, ngay từ tháng Giêng năm 2017, tỉnh sẽ tổ chức hội xuân 2017 ở quy mô cấp tỉnh tại thác Liêng Nung (Gia Nghĩa). Ngoài đêm thơ nguyên tiêu như truyền thống, hội xuân lần này sẽ diễn ra các hoạt động như: thi dệt thổ cẩm và diễn thời trang thổ cẩm; phục dựng lễ cúng bến nước của người Mạ…

Rõ ràng, “bức tranh” du lịch Đắk Nông đang chuyển dần sang một gam màu tươi sáng hơn với kế hoạch hoạt động của những sản phẩm cụ thể. Hy vọng với quyết tâm của tỉnh, sự chung tay, góp sức của doanh nghiệp, người dân, thời gian tới, ngành du lịch sẽ dần lên ngôi, xứng tầm với tiềm năng, vị thế trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Đắk Nông.

Xây dựng “Thương hiệu cho nụ cười Đắk Nông”

Tại hội nghị bàn và thống nhất phương án xây dựng các tuyến du lịch trên địa bàn Đắk Nông mới đây, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nếu xét về tiềm lực kinh tế đầu tư làm du lịch, Đắk Nông không thể cạnh tranh với nhiều tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. Đây cũng là khó khăn và thử thách lớn nhất của tỉnh trên lộ trình phát triển du lịch. Tuy nhiên, nếu chúng ta có chiến lược tốt thì khó khăn, thử thách sẽ biến thành lợi thế so sánh để khai thác. Bởi vì, ngoài du lịch tới các địa điểm nghỉ dưỡng sang trọng, các thành phố lớn thì hiện nay, xu thế du khách tìm đến các tour du lịch khám phá, trải nghiệm tại các vùng thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ đang khá phổ biến. Khai thác theo hướng này, tuy đầu tư kinh tế không lớn nhưng lợi ích mang lại là vô cùng lớn trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Để làm được điều này, khi Đắk Nông không giữ khách bằng những gì sang trọng, xa hoa thì cũng giữ khách bằng tình cảm chân thành, sự đón tiếp nồng hậu, an toàn và vui vẻ. Để làm sao mỗi du khách đến với Đắk Nông đều đọng lại ấn tượng con người Đắk Nông luôn rạng ngời nụ cười. Để rồi, nụ cười Đắk Nông dần trở thành “thương hiệu” cho sản phẩm du lịch tỉnh trong lòng du khách.

Đắk Nông đang có hướng đi phù hợp để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển du lịch

Theo PGS,TS. Huỳnh Quyền, Phó Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: Qua hợp tác với Đắk Nông thời gian gần đây, tôi thấy tỉnh đang có những quyết sách, việc làm đúng hướng để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển du lịch. Bởi không chỉ riêng tôi mà ai đến Đắk Nông cũng phải thừa nhận tiềm năng du lịch ở đây rất lớn, thuộc diện nhất nhì khu vực.

Tuy nhiên “điểm nghẽn” khiến các tiềm năng này chưa phát huy, đó là trước đây, tỉnh chưa có một chiến lược phát triển rõ ràng, phù hợp trên cơ sở đóng góp ý kiến của nhiều tầng lớp, đối tượng. Khi mà chưa đưa ra được chiến lược khả thi thì phương án về phân bổ nguồn lực, triển khai thực thi các chính sách liên quan cũng rất khó mang lại hiệu quả. Cũng chính vì vậy, ngay bây giờ, khi Đắk Nông bắt đầu một chiến lược mới cụ thể hơn, rõ ràng hơn thì gần như làm lại từ đầu chứ chưa có gì ngoài tiềm năng sẵn có.

Ví dụ như nguồn nhân lực, nếu xu thế phát triển du lịch cộng đồng đối với Đắk Nông là khả thi cao thì vấn đề mấu chốt ở đây phải có những con người làm du lịch cụ thể. Con người ở đây phải qua đào tạo hẳn hoi chứ không thể theo dạng tự phát. Rất đơn giản nhưng dễ hiểu, khi khách đến Đắk Nông, vào một quán ăn hay quán cà phê chứ chưa nói khách sạn, nhà hàng, nếu chủ cơ sở được trang bị về kỹ năng làm du lịch thì sẽ đào tạo nhân viên có thái độ phục chuyên nghiệp hơn theo kiểu “khách hàng là thượng đế”.

Tôi thấy, gần đây, Đắk Nông đã nhận diện được những vấn đề này và đang khắc phục nó bằng việc quan tâm hướng tới đào tạo nhân lực cho ngành du lịch; đổi mới quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư và xây dựng đề án phát triển du lịch cho cả ngắn hạn và dài hạn…. Những động thái này theo tôi dù muộn nhưng mang ý nghĩa quan trọng quyết định đến thành công của ngành du lịch tỉnh thời gian đến.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch đón buổi… hừng đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO