Xử cũng như không !

Hồ Dân| 12/08/2015 09:33

Thời điểm hơn 1 tháng qua, việc cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra và phát hiện hơn 10 cơ sở sản xuất cà phê bột kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực sự đã làm cho dân “nghiện” cà phê phấn khởi.

ADQuảng cáo

Quanh ly cà phê sáng, dân uống cà phê thường bàn luận về câu chuyện này, và mong cơ quan chức năng xử phạt nghiêm minh, tận gốc rễ để họ có thể thưởng thức được ly cà phê “sạch” thay vì cả một thời gian dài phải uống cà phê “bẩn” ngay trên xứ sở cà phê của mình.

Thế nhưng, mong đợi nhiều thì hụt hẫng lại nhiều. Vừa qua, theo thông tin được biết cơ quan chức năng xử phạt hành chính 6 cơ sở trong số 11 cơ sở vi phạm với số tiền 36 triệu đồng. 5 cơ sở còn lại, trong đó có 3 cơ sở ở Đắk Lắk, 1 cơ sở ở Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), 1 cơ sở ở Quảng Ngãi không hợp tác với cơ quan chức năng nên đến nay vẫn chưa xử lý được.

Nghe tin này khiến nhiều người buồn và băn khoăn về tính nghiêm minh của pháp luật trong việc bảo vệ sức khỏe người dân. Băn khoăn hoàn toàn có lý. Bởi được biết, các sản phẩm cà phê này qua kiểm tra, lấy mẫu phân tích đều không đạt yêu cầu về hàm lượng cafein, mà chủ yếu sử dụng hương liệu hóa học, chất phụ gia, chất tạo màu không rõ nguồn gốc…có thể gây ung thư. Trong khi đó cách xử lý của ta lại quá hời hợt, quá nhẹ, không tận gốc, xử lý mà như… không.

ADQuảng cáo

Quy trình nôm na như thế này: Cơ quan chức  năng kiểm tra – xử lý hành chính bằng phạt tiền là xong. Sau đó các cơ sở vi phạm này “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục làm cà phê bẩn tung ra thị trường – người dân lại uống cà phê bẩn và có thể lặp lại quy trình này từ đầu.

Không chỉ mặt hàng cà phê bột. Lâu nay theo dõi việc kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng trong cả nước cũng cho thấy cách làm còn thiếu đồng bộ, rời rạc. Có rất nhiều cơ quan có chức năng, nhiệm vụ quản lý, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, nhưng giải pháp phối hợp xử lý chưa triệt để, tận gốc, chủ yếu là xử phạt hành chính, rồi sau đó thông tin thế nào người dân cũng không được biết một cách tường tận.

Ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan ở Đông Nam Á, họ xử lý rất nghiêm người sản xuất, làm hàng giả, hàng kém chất lượng, đồng thời yêu cầu thu hồi hết sản phẩm lưu hành trên thị trường và công bố đầy đủ, rộng rãi trên phương tiện thông tin để người tiêu dùng biết. Cách làm này rõ ràng là hiệu quả, nó vừa bảo vệ kịp thời sức khỏe của người dân, đồng thời bảo vệ nền kinh tế lành mạnh, bảo vệ và gây dựng thương hiệu cho sản phẩm, cho thương hiệu quốc gia họ.

Và thế mới thấy cách xử lý của ta còn quá nhẹ và buông lỏng. Bảo vệ sức khỏe con người chưa được đặt lên hàng đầu. Riêng chuyện mơ sớm được uống cà phê sạch thì còn lâu nhé!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử cũng như không !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO