“Xóm văn hóa”

Tường Mạnh| 14/07/2017 08:46

Mới đây, tôi có dịp đến chơi nhà một người bạn ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa). Thay vì con đường đất gồ ghề trước đây, đường vào nhà người bạn bây giờ đã được bê tông hóa rộng rãi, sạch sẽ. Điều đáng nói nữa là ngay từ đầu ngõ có một cổng chào hoành tráng có dòng chữ “xóm văn hóa” rất ấn tượng.

ADQuảng cáo

 Lâu nay, phải qua các bước bình chọn theo đúng trình tự, quy định, chính quyền, ngành chức năng thường chỉ công nhận danh hiệu gia đình, thôn, bon, buôn, tổ dân phố văn hóa, theo hộ dân và đơn vị hành chính, chứ chẳng thấy ai công nhận “xóm văn hóa”.

Thấy tôi thắc mắc sao lại ghi danh hiệu “xóm văn hóa” trước cổng chào, người bạn liền giải thích, cả xóm nhất trí “tự phong” như vậy để ghi nhận thành tích bà con cùng nhau góp sức làm nên tuyến đường bê tông hoành tráng này.

Trước đây, cả một thời gian dài, khu xóm mà người bạn tôi ở có khoảng 20 hộ gia đình sống hai bên đường đất, mùa mưa đến thì lầy lội, mùa nắng thì bụi mù, trông rất nhếch nhác, ai đến chơi cũng ngại. Theo lời người bạn kể, không cam chịu cảnh sống tạm bợ, nhếch nhác đó và cũng không trông chờ vào sự đầu tư của chính quyền địa phương, các hộ gia đình họp bàn với nhau và đi đến thống nhất cùng đóng góp kinh phí để làm đường, cho dù mỗi nhà phải tốn kém không ít. Các hộ gia đình còn tự nguyện hiến một phần đất trước nhà để cho tuyến đường khi xây dựng được ngay ngắn, thẳng tắp và phải tự làm mương, cống thoát nước.

Vậy là tuyến đường bê tông có chiều dài 350m, chiều rộng 3m, kinh phí xây dựng lên đến 220 triệu đồng nhanh chóng được hoàn thành, đem lại bộ mặt khang trang cho cả khu xóm, bà con ai nấy đều hết sức phấn khởi. Từ khi có con đường bê tông rộng rãi, lại thông thương với các tuyến phố chính, đất đai hai bên đường trở nên có giá, nhiều người dân từ nơi khác tìm đến mua đất để định cư, xây dựng nhà cửa, làm cho khu xóm trở nên đông đúc, nhộn nhịp hẳn lên.

ADQuảng cáo

Không dừng lại ở đó, các hộ gia đình cũng họp bàn và quyết định thống nhất đặt tên là “xóm văn hóa” và làm bảng tên gắn ngay trước cổng chào. Theo bà con, việc “tự phong” danh hiệu “văn hóa” cũng chỉ mang tính tượng trưng, động viên tinh thần nhau là chính, để cùng bảo ban nhau thường xuyên vệ sinh môi trường, giữ gìn khu xóm sạch đẹp, bảo đảm an ninh trật tự.

Hiện tại, bà con đang tính đến chuyện trước cổng nhà hộ nào thì tự lắp đặt đèn đường để khu xóm cũng như cuộc sống, sinh hoạt của các gia đình ngày càng trở nên văn minh, hiện đại. Đó cũng là cách để khu xóm góp sức cùng chính quyền địa phương trong việc xây dựng tổ dân phố văn hóa.

Có thể chưa đúng với tiêu chuẩn công nhận chung, nhưng việc bà con ở khu xóm này "tự  phong" và tự hào với danh hiệu “xóm văn hóa” cũng không có gì là sai trái, nếu không muốn nói là đáng khích lệ. Bởi qua đó, mỗi người dân sẽ có thêm trách nhiệm với thôn xóm, nỗ lực phấn đấu trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày để thực sự xứng đáng với danh hiệu “văn hóa”.

Qua thực tế đó cũng cho thấy, nhận thức, ý thức xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư của các hộ gia đình ngày càng cao, xuất phát từ nhu cầu có thật của cuộc sống. Ý thức đó được người dân thể hiện ngay trong những việc làm thiết thực, hành động cụ thể hàng ngày, chứ không chỉ dừng lại ở việc hô khẩu hiệu chung chung.

Có lẽ, các cấp chính quyền địa phương cũng mong ngày càng có thêm nhiều “xóm văn hóa” như vậy để góp phần thúc đẩy phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đi vào thực chất, có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Xóm văn hóa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO