Xóa nghèo từ trong tư tưởng!

Hoàng Bảo| 07/02/2017 09:29

Trong chuyến cùng lãnh đạo tỉnh đi tặng quà tết cho các hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán mới đây, nghe cán bộ, người dân ở các địa phương nói về nguyên nhân đói nghèo, chúng tôi càng thấm thía thế nào là “nghèo từ trong tư tưởng”.

ADQuảng cáo

Nhiều câu chuyện được kể ra mà chúng ta dễ dàng bắt gặp, đó là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số mà vô tình quên đi tính tự lực của mình. Nhiều người dân từ nơi khác đến, xuất phát điểm khó khăn, đất đai không có, nhưng với tính tự lực, từ làm thuê cuốc mướn đã vươn lên, không chỉ xóa được đói, giảm được nghèo mà còn làm giàu.

Trong khi đó, một bộ phận người dân, nhất là dân tộc thiểu số tại chỗ có tư liệu sản xuất, được hưởng lợi từ nhiều chương trình, chính sách, nhưng hay có tính ỷ lại, cứ chờ được cho và nhận mà quên đi bản thân cần phải làm gì. Chính vòng luẩn quẩn “cho nhận - nhận cho” đó mà họ để cho mình sinh ra tính ỷ lại, không có tư tưởng thoát nghèo, ngược lại còn muốn được nghèo để nhận hỗ trợ.

Với tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã “ăn sâu, bám rễ”, nhiều người được vay vốn sản xuất, nhưng lại không chịu tư duy làm ăn, không ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả, dẫn đến năng suất không cao. Cũng có người khi có tiền thì tiêu xài, mua sắm, nên dần dần nguồn vốn cũng bị thâm hụt, làm bao nhiêu cũng không đủ để trả nợ cũ, chứ chưa nói gì đến nợ phát sinh, nợ mới, nên cái nghèo cứ đeo bám mãi.

Không chỉ trong phát triển kinh tế, cái nghèo còn nằm ở trong chính tư duy, lối suy nghĩ sai lệch, dẫn đến nhiều trường hợp thoát nghèo rồi đó, nhà xây đẹp, đất sản xuất có, xe cày, xe máy có, nhưng vẫn “xin nghèo” để được hưởng các chính sách ưu đãi cho hộ nghèo. Bởi họ luôn có tư tưởng khi “được nghèo” thì được vay vốn giảm nghèo với lãi suất ưu đãi, con cái đi học được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như miễn giảm học phí, vay vốn đầu tư học tập…

ADQuảng cáo

Trên thực tế, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện rất nhiều chương trình, chính sách để giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nhưng việc giảm nghèo vẫn chưa đạt được như mong muốn, tỷ lệ nghèo còn cao, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Và nguyên nhân “nghèo từ trong tư tưởng” đã được đề cập nhiều trong thời gian gần đây.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn cao đó chính là do tư tưởng cả nể của cán bộ thôn, bon trong bình xét hộ nghèo. Có những nơi cán bộ xã cũng là hộ nghèo, trưởng thôn cũng nghèo, nhà nhà xin được nghèo, nhưng trên thực tế lại không như vậy. Ý thức của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý biến động hộ nghèo còn thiếu chặt chẽ, phần mềm quản lý hộ nghèo chưa hiệu quả. Chính vì thiếu tinh thần, trách nhiệm, nên chưa nắm được hộ nào là nghèo cũ hay hộ nghèo mới phát sinh để theo dõi.

Vì vậy, để xóa được đói, giảm được nghèo thì phải xóa từ trong tư tưởng, chỉ khi nào tư tưởng thông suốt, hiểu ra vấn đề thì mới có thể thoát nghèo bền vững. Do đó, công tác truyền thông rất quan trọng, không chỉ nói để nghe mà phải tìm cách nói để bà con hiểu, ngấm dần vào suy nghĩ, nhận thức thì mới thực hiện được. Các cấp, ngành cần phải làm sao để bà con nhận thức được nguyên nhân nghèo và quyết tâm vươn lên thoát nghèo thì lúc đó thoát nghèo mới bền vững. Bởi mọi sự giúp đỡ chỉ là bàn đạp, nhưng nếu người đi xe mà không chịu đạp thì nó cũng đứng yên một chỗ và sẽ tụt lại phía sau.

Có thể nói, giảm nghèo là câu chuyện được nói đi nói lại rất nhiều, nhưng làm sao để xóa nghèo một cách bền vững thì không dễ dàng. Do đó, bên cạnh thực hiện nhiều giải pháp, triển khai nhiều chương trình, chính sách thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phát huy tinh thần tự lực, quyết tâm xóa đói, giảm nghèo là việc cần được tập trung ưu tiên thực hiện một cách hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa nghèo từ trong tư tưởng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO