Xây dựng chiến lược để bắt kịp hội nhập

Bình Minh| 13/02/2019 09:59

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 14/1/2019.

ADQuảng cáo

Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện hiệp định, với khoảng hơn 60% trung bình mức thuế được cắt giảm. Việc tham gia hiệp định sẽ mang đến nhiều cơ hội song cũng không ít thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, để tận dụng cơ hội từ CPTPP mang lại, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần nhanh xây dựng chiến lược để bắt kịp xu thế hội nhập.

Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm thế mạnh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực nông lâm nghiệp. Theo các chuyên gia thì ngoài các ngành hàng có thế mạnh lớn như may mặc, giày da, gỗ...thì lĩnh vực nông nghiệp hiện nay còn nhiều điểm yếu và dễ bị tổn thương nhất. Trong đó, cơ cấu cây trồng bất cân đối và chuỗi ngành hàng thiếu đồng bộ là hai thực trạng cơ bản khiến lĩnh vực nông nghiệp chưa khai thác tốt các lợi ích trong thương mại quốc tế.

Cùng với trồng trọt thì sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi vẫn còn yếu và không bền vững bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quy trình sản xuất còn đơn sơ, chưa được đầu tư khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh môi trường, chuồng trại dẫn đến những nguy cơ các loại vật nuôi dễ bị dịch bệnh, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành so với sản phẩm của các nước tham gia CPTPP.

ADQuảng cáo

Để tận dụng những lợi thế của Hiệp định CPTPP, cộng đồng doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, xây dựng chiến lược bài bản. Doanh nghiệp đẩy mạnh việc nâng cấp các yêu cầu bảo vệ sở hữu trí tuệ, cũng như năng lực thể chế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình tham gia CPTPP; tiếp tục đổi mới, đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất lao động cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp phải nắm vững thông tin hội nhập để phân tích tác động của tiến trình hội nhập đối với doanh nghiệp và sản phẩm của mình. Từ đó, mỗi doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch hành động chủ động và tích cực về định hướng thị trường, đối tác, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị gắn với thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh. Nói cách khác, doanh nghiệp cần ý thức đầy đủ về vai trò của mình để giữ vững thị phần trong nước, đồng thời sẵn sàng tâm thế hội nhập để tìm kiếm các thị trường mới.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là năng lực của doanh nghiệp trong xây dựng được chiến lược, từ đó chuẩn bị sẵn tâm thế mới có thể chớp được thời cơ của quá trình hội nhập.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chiến lược để bắt kịp hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO