Vỉa hè và câu chuyện chưa bao giờ cũ

Hà An| 17/03/2017 09:24

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về hai thành phố lớn nhất, nhì cả nước là Hà Nội và Hồ Chí Minh đang ra quân thực hiện chiến dịch giải phóng vỉa hè, trả lại đường cho người đi bộ.

ADQuảng cáo

Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo các thành phố này quyết tâm “giành lại vỉa hè”, song lần này cho thấy có sự quyết tâm chính trị cao từ các cấp lãnh đạo của hai thành phố và hệ thống chính trị, nhận được sự ủng hộ của Chính phủ và quan trọng là nhận được sự đồng thuận của người dân, ngay cả những người bị ảnh hưởng. Tuy vậy, cũng cho thấy đây không còn là chuyện riêng của hai thành phố này mà đang trở thành vấn đề chung, bài học cho các tỉnh, thành trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị.

Vỉa hè có chức năng tạo cảnh quan đô thị cũng như lối đi riêng cho người đi bộ. Thế nhưng, không biết từ bao giờ, người dân đã chiếm dụng vỉa hè làm nơi buôn bán, để xe, đặt các biển quảng cáo… Dần dần, từ thói quen này trở thành “văn hóa vỉa hè” không chỉ xảy ra riêng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mà hầu như đô thị nào cũng thế.

Ngay cả Đắk Nông ta, một tỉnh “non trẻ” với các đô thị trung tâm được xây dựng bài bản ngay từ đầu với phương châm “đường thông, hè thoáng”. Nhưng thử quan sát, hiện có vỉa hè nào ở các đô thị Đắk Nông xây dựng lên lại không bị lấn chiếm?

Chẳng hạn như trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa, vỉa hè dọc các đường nội thị, nhất là những đường trung tâm gần như đã được dành cho việc để xe, buôn bán hàng quán, trưng biển quảng cáo, thậm chí là đổ vật liệu xây dựng.

ADQuảng cáo

Về phía cơ quan chức năng, hằng năm, các đơn vị cũng có ra quân giải tỏa vỉa hè, giải tỏa hành lang, cũng có tịch thu, xử phạt nhưng đâu rồi lại vào đó. Thế rồi, đến nay ở Đắk Nông, gần như câu chuyện quản lý vỉa hè trở thành chuyện “xưa như quả đất” và ít ai nghĩ tới nó.

Cứ cho là người dân tham gia giao thông khu vực đô thị ở Đắk Nông đang thưa, không chen chúc như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, lòng đường khai thác chưa hết, chưa cần đến vỉa hè nhưng cứ đà này, nếu chúng ta không quản lý một cách quy củ thì đương nhiên, cái vỉa hè, vấn đề “nhỏ như móng tay” lại trở thành một vấn đề to lớn, liên quan đến thói quen, mưu sinh của hàng ngàn, hàng vạn hộ dân.

Và rồi, để trả lại vỉa hè cho người đi bộ, lại cần những chiến dịch, giải pháp xã hội hợp lý đi kèm như quy hoạch, xây dựng các bãi đậu xe, nơi buôn bán tạo sinh kế cho người dân bị giải tỏa như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện nay đang bàn mới mong giải quyết căn cơ vấn đề này.

Theo nhiều người, nếu đem Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ra so sánh với Đắk Nông thì hơi khập khiễng bởi những thành phố lớn này đã có hàng trăm năm tuổi, mật độ dân số dày đặc nên đây là vấn đề xã hội hiển nhiên cần phải giải quyết. Vả lại, họ đang giải quyết hệ lụy của hàng trăm năm trước trong chiến lược quy hoạch, quản lý quy hoạch…

Còn ở Đắk Nông, một tỉnh đi sau, chúng ta học tập được kinh nghiệm những tỉnh, thành đi trước trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị, không lý do gì lại phải đi giải quyết những hệ lụy được gọi lại chuyện cũ như những đô thị đi trước. Thế nhưng, nếu ngay từ bây giờ, chúng ta không có giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì giải phóng vỉa hè, chuyện của hôm nay nhưng lại là gánh nặng của tương lai.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vỉa hè và câu chuyện chưa bao giờ cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO