Vào đại học dễ quá!

Tường Mạnh| 12/08/2016 08:32

Tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội tỉnh hay đại biểu HĐND tỉnh, một trong những vấn đề mà nhiều cử tri trong tỉnh luôn đề đạt, ý kiến đó là Đảng, Nhà nước, tỉnh cần có giải pháp khả thi để sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học có việc làm ổn định.

ADQuảng cáo

Điển hình như tại buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội tỉnh mới đây, nhiều cử tri trong tỉnh mong muốn Nhà nước cần có những chính sách thiết thực để tạo điều kiện cho con em có việc làm, nhất là số sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học.

Quả thật, mong muốn đó của cử tri, nhân dân là điều hết sức chính đáng. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra lại khó có câu trả lời một cách thỏa đáng được. Bởi vì, trong bối cảnh hiện nay, việc giải quyết việc làm cho toàn bộ sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học trong cả nước là điều không phải dễ dàng, nếu không muốn nói là “lực bất tòng tâm”.

Qua thống kê thì đến quý I/2016, cả nước có đến 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Vậy mà, hàng năm, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước vẫn tiếp tục tuyển sinh với số lượng lớn cho dù vẫn biết sau khi đào tạo, rất nhiều sinh viên “không biết đi đâu về đâu”.

 Theo số liệu của Bộ Giáo dục-Đào tạo thì chỉ tính riêng kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 này, cả nước có 519.497 thí sinh dự thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (chiếm 59% tổng số thí sinh dự thi, bằng tỷ lệ năm 2015); trong đó có 81.770 thí sinh tự do.

Nếu trừ đi số bỏ thi, điểm liệt, rớt tốt nghiệp, thì số lượng tham gia xét tuyển chưa tới 600.000 thí sinh. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu xét tuyển của các trường đại học, cao đẳng năm nay là 647.000 thí sinh (chênh lệch 47.000). Đặc biệt, trong số này, thí sinh có mức điểm từ 24 trở lên giảm mạnh so với năm ngoái. Chứng tỏ nguồn tuyển năm nay có chiều hướng giảm.

ADQuảng cáo

Qua thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, trước thực tế đó, do sợ thiếu thí sinh, nên một số trường đại học công lập đưa ra mức điểm xét tuyển từ 15, bằng với ngưỡng điểm bảo đảm chất lượng đầu vào mà Bộ Giáo dục-Đào tạo quy định.

Mặc dù mọi năm điểm chuẩn của đa số ngành các trường công lập cao hơn điểm sàn từ 4-5 điểm trở lên. Chính vì nguồn tuyển sinh khó nên các trường lại đặt mức điểm “sàn” thấp. Điển hình như Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đang gây tranh cãi với mức điểm xét tuyển như vậy.

Đặc biệt, các trường đại học ngoài công lập là lo ngại nhất, nên dùng mọi cách để lôi kéo thí sinh về trường mình. Thí sinh đến trường nộp hồ sơ, chỉ cần đủ điểm xét tuyển là được thông báo trúng tuyển và làm thủ tục nhập học. Cách làm này còn được áp dụng rộng rãi với cách xét tuyển bằng học bạ. Dù chưa hết hạn nhận hồ sơ và thông báo mức điểm trúng tuyển, thí sinh cứ đến trường là được nhập học.

Qua đó cho thấy, việc trúng tuyển vào cao đẳng, đại học hiện nay dễ quá, ai cũng có thể vào được, miễn là có tiền để trang trải các khoản chi phí trong quá trình học tập. Còn sau đó, học xong, làm gì thì sinh viên, gia đình tự lo, còn nhà trường coi như đã “hoàn thành nhiệm vụ đào tạo”.

Thực tế, sinh viên ra trường thất nghiệp là “bài toán” đang đặt ra cấp thiết, nhưng để “giải” được là điều không phải dễ dàng. Theo nhiều chuyên gia về giáo dục, lao động thì cần phải đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, hình thành tư duy là học để làm việc, học và làm theo khả năng, sở thích của bản thân học sinh.

Công tác thông tin về thị trường lao động của từng vùng miền cần được đẩy mạnh, gắn với việc dự báo nhu cầu nhân lực của cả nước nói chung và từng tỉnh thành nói riêng...Về phía mỗi gia đình, người dân cũng cần phải có sự định hướng nghề nghiệp cho con em một cách phù hợp, tránh chạy theo phong trào, gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vào đại học dễ quá!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO