Tự cứu lấy mình

Hồ Dân| 05/08/2015 09:45

Quan sát và chứng kiến “tình trạng gây ô nhiễm môi trường” xung quanh quả thật khiến chúng ta phải suy nghĩ, trăn trở.

ADQuảng cáo

Ở thôn 9 xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) có một con suối bắt nguồn từ đập Nhân Cơ xuống vùng hạ lưu dài vài km. Con suối này phục vụ tưới tiêu cây trồng cho hàng trăm hộ dân, đặc biệt là vào mùa khô. Lợi ích to lớn là vậy, nhưng không hiểu sao thay vì được chăm sóc, bảo vệ thì con suối lại trở thành nơi người dân sống xung quanh vứt rác thải sinh hoạt tràn ngập.

Chứng kiến cảnh này, có lần tác giả hỏi một người dân tại sao “giết chết con suối” đã giúp mình, thì nhận được câu trả lời là “Thấy mọi người vứt thì mình cũng vứt!”. Không chỉ người dân sống xung quanh, hiện con suối lại oằn mình gánh chịu thêm lượng rác của cư dân sống ở vùng khác vứt xuống khi tiện đi ngang qua.

Câu chuyện trên chỉ là một trong vô số những hành vi của con người tác động gây ô nhiễm môi trường. Thực tế trong xã hội đang có một cách nghĩ đại loại là “việc bảo vệ môi trường là của người khác, của xã hội”, không phải là của mình. Một bộ phận khác có tư tưởng thiển cận "sạch riêng, bẩn chung" và môi trường gánh chịu.

Chưa bao giờ lượng rác thải sinh hoạt lại nhiều như bây giờ. Rác thải do người dân không có ý thức vứt ra khắp nơi nào là túi ni lon, xác động vật chết, đường thôn, ngõ xóm đến kênh, mương, ao hồ, sông, suối..., chỗ nào tiện và gần cũng có thể vứt rác, đổ chất thải sinh hoạt. Ngay cả ở những khu vực trung tâm các huyện thị, các khu vực trường học, bệnh viện… cũng tràn ngập rác nhưng chưa có cách xử lý.

ADQuảng cáo

Vấn nạn ô nhiễm môi trường đang là mối quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn từ chất thải, rác thải trong sinh hoạt, chăn nuôi, cho đến sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.

Nguyên nhân thì rất nhiều, đến từ những yếu tố khách quan như thiếu cơ chế, giải pháp đồng bộ; hạn chế về tài chính đầu tư… Song, có một nguyên nhân đến từ yếu tố chủ quan, đó là ý thức, nhận thức của mỗi chúng ta về bảo vệ môi trường còn rất hạn chế, đã ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường sống.

Rõ ràng xử lý vấn đề rác thải nông thôn hiện đang là vấn đề khó, song không phải là không có giải pháp. Thực tế cho thấy ở nơi nào, cấp ủy, chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể xã hội có nhận thức đúng về bảo vệ môi trường thì nơi ấy làm tốt. Bởi chỉ khi nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng thì mới có sự quan tâm thích đáng trong giải pháp và tổ chức thực hiện. Khi ấy công tác tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân mới được đẩy mạnh, thường xuyên; khi ấy việc huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa mới được tập trung… Và, khi đã có sự nhận thức chung, đồng thuận của nhân dân, thì huy động giải pháp về nguồn lực cho bảo vệ môi trường sống chung ở địa phương, cơ sở hoàn toàn có khả thi.

Đã đến lúc chúng ta phải đề cao việc bảo vệ để cứu lấy môi trường nông thôn, cũng là việc cứu lấy chính chúng ta.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự cứu lấy mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO