Trị bệnh "thích... nghèo"

Bình Minh| 26/07/2017 08:40

Những năm qua, các chính sách, chương trình giảm nghèo triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân.

ADQuảng cáo

Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từng bước giảm dần, hiện nay còn hơn 28.300 hộ, chiếm 19,2% tổng dân số. Tuy nhiên, một thực trạng đáng lưu ý là bệnh "thích... nghèo" ở nhiều thôn, bon, buôn đang có chiều hướng tăng và cần sớm “bắt mạch”, kê “thuốc” để “điều trị“ dứt điểm.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa III, nhiệm kỳ 2016-2021, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ ra rằng, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng “thích nghèo” để được hưởng chế độ chính sách của nhà nước. Đây là vấn đề dẫn tới tư tưởng trông chờ, ỉ lại ở nhiều hộ gia đình, nhiều địa phương nên không nỗ lực, cố gắng để thoát nghèo. Vì thế, đồng chí đề nghị UBND tỉnh, các ngành, địa phương cần phải sớm chấn chỉnh và có giải pháp mạnh nhằm khắc phục tình trạng này.    

Ông Huỳnh Ngọc Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng phân tích thêm, việc “thích nghèo” xuất phát từ tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách giảm nghèo của một bộ phận người dân. “Thích nghèo”, bởi nếu vào diện hộ nghèo thì các hộ sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ các chính sách, chương trình của nhà nước và của địa phương. Ở một số  thôn, bon, buôn của nhiều địa phương trong tỉnh, xu hướng người dân “thích nghèo” hơn là “xóa nghèo” đang trở nên nhiều hơn. Đây thực sự là đáng trăn trở, suy nghĩ của một tỉnh còn  nhiều khó khăn như Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Qua thực tế cho thấy, một hộ nghèo mỗi năm sẽ được ưu đãi nhiều chính sách. Ngoài một số chính sách khác như hỗ trợ làm nhà ở, đất ở, đất sản xuất..., những hộ nghèo còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế chữa bệnh miễn phí khi có người bị bệnh; con cái đi học không phải đóng học phí; vay vốn ưu đãi lãi suất thấp; hỗ trợ tiền điện, được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi...

Tư tưởng này đang làm thui chột tinh thần tự lực cánh sinh, quyết tâm giảm nghèo. Một khi có tư tưởng buông xuôi thì việc tập trung trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình cũng không còn. Vấn đề này dẫn đến hệ lụy nhiều người dân thiếu khát khao, thiếu động lực trong lao động sản xuất để tự mình thoát nghèo. Hay nói cách khác là những hộ “thích nghèo” này lười biếng trong sản xuất, mặc dù gia đình không thiếu về tư liệu sản xuất và nguồn lao động dẫn tới ăn chơi, nhậu nhẹt và dễ mắc vào các tệ nạn xã hội.

Trước tình trạng bệnh "thích nghèo" đang có chiều hướng gia tăng, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương triển khai phần mềm quản lý hộ nghèo đến từng gia đình. Trên cơ sở này, Sở và các cấp địa phương phân tích kỹ nguyên nhân vì sao còn nghèo. Phần mềm cũng sẽ cập nhật phân loại hộ nghèo, đánh giá nguyên nhân gây nghèo để có các giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm đạt hiệu quả giảm nghèo bền vững và bảo đảm tính công bằng.

Tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã ăn sâu vào nhận thức của người dân. Vì thế, công tác tuyên truyền cần phải được “nâng cấp” để thông qua  nhiều hình thức,  người dân thấy được nghèo là xấu hổ, là sự tụt hậu... để có ý thức vươn lên trong cuộc sống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trị bệnh "thích... nghèo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO