Trách nhiệm và chưa nghiêm

Hồ Văn| 07/11/2019 09:23

Trong nhiều Báo cáo đánh giá kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh có nội dung về công tác quản lý, bảo vệ rừng: có giảm nhưng tình hình phá rừng vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi.

ADQuảng cáo

Qua thực tế, thực trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua cho thấy đánh giá ngắn gọn trên là sát, đúng với tình hình. Trong 9 tháng năm 2019, tổng số vụ phá rừng phát hiện được là 339 vụ, thiệt hại 96,9 ha, giảm 14,6% về số vụ, giảm 25,5% về diện tích thiệt hại so với cùng kỳ. Vùng nhạy cảm, phức tạp tập trung tại lâm phần các công ty như Công ty Đắk N’Tao, Đức Hòa, Quảng Sơn.

Mấy năm nay Tỉnh ủy ban hành nhiều chỉ thị; theo thống kê của cơ quan chuyên môn, UBND từ năm 2017 đến nay ban hành khoảng 40 văn bản chỉ đạo, điều hành về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng với mục tiêu là triệt tiêu động cơ phá rừng: lấy đất sản xuất, sang nhượng, trục lợi bất hợp pháp từ tài nguyên rừng...nhưng không phát huy được hiệu lực, hiệu quả.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta đã xác định được động cơ, mục tiêu phá rừng, cùng đầy đủ công cụ pháp lý, lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ từ tỉnh đến cơ sở nhưng kết quả vẫn không như mong muốn và tình hình phá rừng còn ở mức “phức tạp và tinh vi”. Nguyên nhân lâu nay đã được phân tích nhiều, đó là có cả chủ quan, khách quan, hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ…Vấn đề là những hạn chế, yếu kém cùng giải pháp đã được nhìn nhận, đề cập đến “thuộc lòng” nhưng cuối cùng tình hình vẫn là… phức tạp.

Trong rất nhiều nguyên nhân tạo thành chuỗi yếu tố tác động làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng nổi lên xuyên suốt đến nay đó là chưa rõ trách nhiệm, quyết tâm chính trị, thiếu kiểm tra, giám sát, và xử lý chưa nghiêm…Thực tế chúng ta có khá nhiều văn bản cụ thể hóa văn bản của Đảng, các luật, nghị  định… trong lãnh đạo, điều hành, nhưng cũng mới ở mức “đồng bộ văn bản”, chứ chưa thể hiện cao quyết tâm chính trị trong tổ chức thực hiện; chưa làm rõ được phạm vi trách nhiệm của người đứng đầu, tập thể lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng ở cơ sở. Do vậy, trách nhiệm trong tổ chức thực  hiện nhiệm vụ bị lơ là, buông lỏng và không rõ quy chiếu trách nhiệm khi để sai phạm nhiều, tạo tình hình phức tạp tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh chưa thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm… nên hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, điều hành lĩnh vực này còn hạn chế.

ADQuảng cáo

Từ nhiều yếu tố tạo thành nguyên nhân trên khiến cho tình hình phá rừng ở các địa phương ngày một “phức tạp và tinh vi”, tạo ra các điểm nóng nhưng nguyên nhân sâu xa và gốc rễ vấn đề đôi khi chúng ta còn “mơ hồ”. Việc này dẫn đến hệ quả trong chỉ đạo, điều hành các giải pháp chưa sát với  thực tiễn ở địa bàn và cuối cùng vẫn là tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Một ví dụ địa bàn Quảng Sơn, Đắk Glong đã và đang là điểm nóng phá rừng, lấn chiếm đất trái phép. Động cơ phá rừng đã rõ là đầu cơ đất đai; các đối tượng cũng không phải chủ yếu là người địa phương mà từ các tỉnh khác đến, nhưng tại sao vẫn chưa triệt tiêu được? Ở nhiều tiểu khu thuộc lâm phần Công ty lâm nghiệp Quảng Sơn thời gian vừa qua “lâm tặc” phá rừng giữa ban ngày nhưng chủ rừng không biết, địa phương không biết, chỉ khi Nhà báo thông tin kiểm tra thì rừng đã bị tàn phá…Vậy trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan ở đây thế nào, liệu việc phá rừng “phức tạp” ấy có dễ lọt mắt chủ rừng, địa phương nếu không có sự “tinh vi” che chắn, dung túng?

Ở một góc nhìn khác, qua tìm hiểu thực tế tại một số công ty lâm nghiệp đang là điểm nóng hiện nay cho thấy việc quản lý, bảo vệ rừng, đất đai như mớ… bòng bong. Nói về khái niệm “lâm tặc”, trước là ám chỉ những người phá rừng, thường là người dân để lấy đất sản xuất; các đối tượng khác lấy gỗ. Còn “lâm tặc” bây giờ thì “muôn hình vạn trạng”, không biết đâu mà lần. Lãnh đạo một số công ty phải khóc than rằng không làm nổi vì “Bốn phương, tám hướng” đều... đụng cả, không làm gì nổi, bất lực... vì “lâm tặc” có trong cả chúng ta!

Cái lòng vòng, quanh co mãi mà chúng ta gọi là tinh vi ấy thực ra có sự bao che, lợi ích của những người liên quan được giao nhiệm vụ ở cơ sở, cơ quan liên quan. Đây cũng có thể gọi là những bàn tay vô hình phía sau, trong bóng tối mà chúng ta tìm mãi không ra… Tiến hành đo đếm, rà soát cụ thể, chính xác về tài nguyên rừng, đất rừng, quản lý tận gốc, kết hợp với giám sát công nghệ để bảo vệ. Đất giao về cho địa phương cần làm rõ mục đích sử dụng, công khai minh bạch, loại bỏ lợi ích nhóm. Phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả của văn bản chỉ đạo thông qua công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên; xử lý nghiêm vi phạm theo đúng pháp luật để làm gương; làm rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của địa phương, công ty, cơ quan quản lý, không làm qua loa… là những điều xã hội mong muốn để đem lại sự công bằng; gìn giữ tài nguyên rừng, tài sản quý giá của quốc gia.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm và chưa nghiêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO