Thiên chức của nghề báo

H.V.M| 21/06/2017 08:18

Nói về nghề báo, Bác Hồ cho rằng: Nhà báo có trách nhiệm đưa thông tin chính xác, chân thực về các sự kiện, vấn đề nhằm làm cho người đọc báo, người nghe đài hiểu rõ, hiểu đúng về sự việc và từ đó có hành động đúng.

ADQuảng cáo

Nếu nhà báo đưa tin sai lệch, sẽ làm mọi người hiểu sai, hành động sai và dẫn tới các thiệt hại to lớn về vật chất, tinh thần cho xã hội. Hành nghề trung thực, khách quan, thông tin chính xác, chân thực, không bóp méo hay thổi phồng sự việc... là chuẩn mực về chuyên môn, nhưng đồng thời cũng là chuẩn mực đạo đức của nghề làm báo.

Joseph Pulitzer (cha đẻ của giải báo chí danh giá của Mỹ Pulitzer) đã định nghĩa về nhà báo thế này: “Một nhà báo là một người đứng canh trên đài chỉ huy của con thuyền quốc gia. Anh ghi nhận mỗi cánh buồm lướt qua, những dấu hiệu nhỏ nhoi cần phải chú ý ở chân trời trong khi thời tiết tốt… Anh nhìn chăm chú vào sương mù và bão tố để báo trước những hiểm nguy ở phía trước. Anh không nghĩ đến tiền lương của anh hoặc đến số lời của ông chủ anh. Anh ở đó để canh chừng cho an ninh và hạnh phúc của nhân dân vốn đang tín nhiệm nơi anh”.

Thiên chức của báo chí là truyền tin. Khi báo chí thực hiện thiên chức của mình, thì nó cũng được trao gửi những sứ mệnh khác. Trong đó, sứ mệnh cao cả nhất, thiêng liêng nhất, chính là sứ mệnh giúp cho con người phát triển tư tưởng.

Nhà báo, cũng là chuyên gia về toàn cầu hóa Dominique Wolton đã viết: “Điều người công dân quan tâm không phải là các sự kiện, mà là thông tin, tức những sự kiện ở dạng truyền thông đã qua lao động của người làm báo”. Nói rõ hơn, không thể có thông tin nếu không có nhà báo. Không những thế, nhà báo còn phải nắm vững kỹ thuật để làm chủ thông tin và áp dụng những quy tắc nghề nghiệp của họ.

Tam Lang (1900 – 1986), nhà văn, nhà báo nổi tiếng Việt Nam từng nói: “Người làm báo, muốn đạt thiên chức của mình trước hết phải biết nói sự thật, dám nói sự thật để thực hiện cái quyền thứ tư mà dân chúng tin tưởng giao phó”. Phàm những người tha thiết làm báo thực sự, ai cũng tự hào về cái sự dấn thân của mình trong nghề, luôn coi trọng nghề của mình. Người ta, làm để đủ nuôi sống mình thì có thể làm bất kỳ công việc gì. Nhưng làm để nuôi sống tư tưởng thì khó lắm, nhất là tư tưởng của người khác, tư tưởng của xã hội.

ADQuảng cáo

Nhà báo Nguyễn Cường (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí truyền thông, Đại học KHXH&NV Hà Nội) cho rằng: Bây giờ, vì nhiều hệ giá trị đan xen, phần lớn người ta làm gì cũng nghĩ đến tiền trước hết. Nếu làm báo chỉ nghĩ đến đó, thì anh nên dừng lại, chuyển sang một nghề khác. Không thì sớm hay muộn, anh cũng sẽ đi vào bế tắc. Bởi cái nghề này, nó sẽ kéo anh đi để thỏa mãn cái sứ mệnh của nó, và do vậy nó sẽ khiến anh luôn luôn phải đứng giữa lằn ranh của sứ mệnh và tiền bạc.

Thời kỳ hội nhập đang đặt ra những đòi hỏi, thách thức mới đối với người cầm bút. Làm sao để chuyển tải các vấn đề, sự kiện một cách nhanh nhất đến với bạn đọc trong một thế giới bùng nổ thông tin? Làm sao để nhìn ra sự thật cuối cùng trong vô vàn thông tin khác nhau về cùng một sự kiện, một vấn đề? Làm sao để giữ cho ngòi bút của mình không bị uốn cong trước những cám dỗ, cạm bẫy của tấm lưới cơ hội, trục lợi giăng ra hòng thay đổi sự thật?

Hơn bao giờ hết, người làm báo phải giữ vững được bản lĩnh của mình, có kiến thức và kỹ năng tốt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, xã hội. Nhận thức đúng về vai trò xã hội của người làm báo, gắn lương tâm và trách nhiệm của người làm báo với lợi ích của cộng đồng, của dân tộc và loài người tiến bộ.

Quan tâm cập nhật kiến thức và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp cho các nhà báo, theo hướng chuyên sâu, nhất là kiến thức pháp luật và kiến thức, phương pháp chuyên đề lĩnh vực đề tài cũng như phương pháp tác nghiệp. Cần có chính sách đào tạo, phát triển đội ngũ nhà báo chính luận và nhà báo điều tra... cùng với đào tạo, tập huấn bảo đảm kiến thức, phương pháp làm việc và tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ quan báo chí từ ban biên tập đến các phòng, ban chức năng.

Có thể nói đó là những binh chủng đặc biệt cần bảo đảm tính chuyên nghiệp và tinh nhuệ của nghề nghiệp báo chí - truyền thông; bảo đảm họ là những nhà văn hóa, nhà kinh tế, nhà chính trị - xã hội luôn giương cao ngọn cờ tư tưởng và đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Thiết nghĩ, đó chính là mong đợi của Ðảng, Nhà nước và nhân dân cũng như mong đợi của công chúng, mong đợi của lịch sử đương đại và tương lai.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiên chức của nghề báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO