Sống chung với hạn hán

Bình Minh| 24/06/2020 08:51

Chưa năm nào, tình trạng hạn hán trên địa bàn tỉnh Đắk Nông lại xảy ra nặng nề và trên diện rộng như năm nay. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông, trong mùa khô năm 2020, toàn tỉnh có hơn 22.430 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán với mức độ từ 30% đến trên 70%.

ADQuảng cáo

Đa phần diện tích này đều tập trung ở các huyện phía Bắc của tỉnh. Cụ thể, huyện Krông Nô có hơn 16.960 ha, Đắk Mil có hơn 4.100 ha, Cư Jút có hơn 1.360 ha bị thiệt hại do hạn hán. Các loại cây trồng bị ảnh hưởng chủ yếu là cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả.

Hạn hán cũng gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho gần 700 hộ dân, với 3.400 nhân khẩu. Nguyên nhân chính là do tình trạng nắng nóng kéo dài làm cho mạch nước ngầm tại các ao, hồ nhỏ, giếng khoan của các hộ gia đình bị sụt giảm mạnh, không bảo đảm được nguồn nước tưới và nước sinh hoạt.

Mùa khô năm 2020, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 22.430 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán với mức độ từ 30% đến 70%. Ảnh minh họa

Có thể thấy, tình trạng hạn hán nhiều năm nay xảy ra lặp đi lặp lại và năm sau thường nặng hơn năm trước. Hạn hán ngày một gay gắt, khó lường, trong khi biện pháp chống hạn năm này qua năm khác vẫn chủ yếu là khuyến cáo; sửa chữa, nạo vét kênh mương; thống kê diện tích cây trồng bị hạn, xin hỗ trợ kinh phí chống hạn; hỗ trợ nhiên liệu, tập trung bơm nước từ sông, hồ đã dưới mực nước chết để cứu cây trồng…

ADQuảng cáo

Các chuyên gia cho rằng, Đắk Nông cần có giải pháp bền vững để không bị động và không mải “chạy theo” chống hạn như hiện nay. Nghĩa là chúng ta lường trước hết được các tình huống mà hạn hán có thể xảy ra để chủ động, chứ không bị “giật mình” về chuyện hạn hán mỗi mùa khô đến. Muốn vậy, việc sản xuất nông nghiệp cần được thực hiện theo đúng kế hoạch, đúng định hướng. Trong đó, vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch và việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là những giải pháp có ý nghĩa rất lớn trong việc ứng phó với khô hạn, thiếu nước tưới diễn biến phức tạp tại Đắk Nông.

Nhà nước phải làm tốt việc thực hiện quy hoạch chi tiết và tuyên truyền cho người dân tuân thủ. Đối với cà phê, hồ tiêu, cây trồng chủ lực nhất hiện nay, các địa phương không nên mở rộng thêm diện tích mà nên áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất như giống mới, tưới tiết kiệm, canh tác theo hướng hữu cơ để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ứng phó được với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.

Để ứng phó với tình hình hạn hán, ngoài giải pháp phát triển thủy lợi thì tại nhiều vùng trên địa bàn tỉnh, việc khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức canh tác để duy trì sản xuất hiệu quả, bền vững sẽ có vai trò rất quan trọng.

Việc ứng dụng, áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học; trong đó, có phương pháp tưới tiết kiệm sẽ giảm bớt áp lực của tình trạng khô hạn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; đồng thời, giảm bớt chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Qua nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy, khi áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên 1 ha cà phê sẽ tiết kiệm được 20% lượng nước tưới, 20% lượng phân bón, 30% công lao động.

Các giải pháp vừa nêu không mới nhưng sẽ là căn bản và bền vững để hạn chế hạn hán. Vấn đề quan trọng là chúng ta cần nhanh chóng triển khai và phát huy hiệu quả các giải pháp này để có thể chung sống lâu dài với hạn hán.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống chung với hạn hán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO