Sàng lọc thông tin

Hồ Dân| 26/08/2015 10:27

Một lần đi xe khách, tôi nghe mấy thanh niên tuổi chừng đôi mươi ngồi gần nhau kể chuyện án mạng mà họ nghe được, đọc được ở đâu đó. Càng kể càng hăng. Nào là án mạng lúc nửa đêm, rạng sáng, dùng ngôn từ đâm, chém, chặt, hiếp… với một thái độ thản nhiên.

ADQuảng cáo

Khi nghe, người tôi có cảm giác nổi gai ốc và rất đáng ngại vì càng kể, tinh thần trạng thái mấy thanh niên càng phấn khích đến lạ lùng! Sau đó họ kể chuyện xảy ra ở Đắk Nông. Chuyện rằng: Có một phụ nữ bị ma ám luôn bắt cóc trẻ em cả nam lẫn nữ, đã có vài chục trẻ em bị bắt cóc nhưng vẫn chưa tìm ra được người phụ nữ nọ. Câu chuyện thực hư này thu hút sự theo dõi của nhiều người và tất nhiên tôi không thể im lặng vì mình là con dân Đắk Nông. Khi đó đám thanh niên mới chịu im.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì việc tiếp cận thông tin nhanh được đáp ứng. Nhưng mặt trái của nó là thông tin bị méo mó, không chính xác cũng ngày một nhiều hơn. Có quá nhiều phương tiện truyền tin không chính thống như Facebook, blog, mạng xã hội, báo lá cải… với một lượng thông tin ngồn ngộn, không được thẩm định. Những thông tin này làm cho người tiếp nhận, nếu hời hợt, thụ động, không có bản lĩnh, không được tiếp nhận thông tin chính thống về tình hình của địa phương, của đất nước thì sẽ rơi vào “bẫy nhiễu tin”.

ADQuảng cáo

Hiện nay có một bộ phận cán bộ, đảng viên có tư tưởng bi quan, hùa theo đám đông dư luận, hùa theo những thông tin không chính thống để bàn luận, suy diễn về tình trạng tham nhũng, về những tiêu cực trong xã hội. Việc này rất nguy vì chỉ cần qua một câu chuyện, từ một nhóm thành nhiều nhóm, thành dư luận xã hội với toàn là những biểu hiện tiêu cực…

Qua thực tế quan sát cho thấy một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ít đọc, nghiên cứu báo chính thống; lười nghiên cứu nghị quyết, dành nhiều thời gian cho các thông tin giải trí trên Facebook, blog, các trang mạng giải trí. Đây cũng là một trong những nguyên nhân, cũng là nguy cơ dễ rơi vào bẫy “tự diễn biến” của các thế lực thù địch. Bởi nếu cán bộ, đảng viên mà không chịu đọc, nghiên cứu, nắm chắc tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, của đất nước, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì khó mà hoàn thành tốt được chức trách, nhiệm vụ; đồng thời sẽ mất phương hướng, dễ rơi vào tự diễn biến khi có tác động.

Sống trong thời buổi thông tin đến như vũ bão từng phút, từng giây như hiện nay cũng khiến chúng ta thực sự đau đầu. Người tiếp nhận thông tin thường thì ở tư thế chủ động, nhưng đôi khi cũng ở thế thụ động phải tiếp nhận, phải nghe, dù mình chưa sẵn sàng. Nhưng dù ở tư thế nào, vấn đề là chúng ta phải tạo cho mình một bộ lọc hoặc nôm na là cơ chế sàng lọc thật tốt để tránh bị nhiễu, bị bóp méo, dị bản.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sàng lọc thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO