Sản xuất “sạch”

Tường Mạnh| 04/12/2017 09:43

Gần đây, khái niệm sản xuất “sạch” được tuyên truyền, xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và trở thành mối quan tâm của cộng đồng xã hội. Trong chương trình “Chào buổi sáng bông lúa” của VTV1 vào 5h30’ sáng hàng ngày luôn có đoạn phát hình ảnh một số nông dân nêu cao khẩu hiệu: Sản xuất “sạch” vì bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội.

ADQuảng cáo

Trong thực tế, thông điệp nói trên đã có tác động nhất định đến việc thay đổi nhận thức của người sản xuất, tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay. Không nói đâu xa, ngay tại tỉnh Đắk Nông đã xuất hiện các mô hình sản xuất nông sản “sạch” như tiêu “sạch”, cà phê “sạch”, rau an toàn… Những cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm “sạch” cũng ra đời, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong việc bảo đảm cho bữa ăn của gia đình phần nào an toàn.

Tuy nhiên, việc các loại nông sản, thực phẩm không bảo đảm an toàn có mặt trên thị trường vẫn luôn là nỗi lo thường trực của mỗi người, mỗi nhà trong cuộc sống hàng ngày. Chuyện người sản xuất, người chăn nuôi sử dụng tràn lan các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, tăng trọng cho cây trồng, vật nuôi, làm cho sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng thiếu an toàn, không biết đường nào mà lường thực sự là nỗi ám ảnh đối với hầu hết người dân.

Mới đây, qua trò chuyện, một người bạn đang làm cho một công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật ở TP. Hồ Chí Minh chi nhánh Đắk Lắk cho biết, chỉ tính riêng chi nhánh của anh, mỗi tháng doanh thu bán sản phẩm phải lên đến 5 tỷ đồng. Trong khi đó, trên địa bàn Đắk Lắk phải có đến mấy chục chi nhánh công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đang hoạt động. Qua đó có thể thấy, lượng thuốc bán ra hàng tháng, hàng năm ở địa bàn Tây Nguyên nhiều đến mức nào.

Anh bạn cũng cho biết, nhiều loại thuốc nằm trong danh mục mà Bộ Nông nghiệp-PTNT cấm lưu hành vì độc tố cao, gây nguy hiểm đến sức khỏe con người, nhưng không ít công ty vẫn lén lút tung ra thị trường theo kiểu “sống chết mặc bay”.

ADQuảng cáo

Thực trạng đó cho thấy, để thay đổi hành vi của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn, thực sự “sạch” là điều không thể một sớm một chiều. Ngoài việc các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước cần phải luôn có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì điều quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ chính ý thức, nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng trong vấn đề sản xuất, sử dụng nông sản, thực phẩm bảo đảm “sạch”.

Gần đây, trên báo bạn có đăng tải một bài viết mô tả việc sản xuất nông sản “sạch” của người Nhật. Tác giả bài viết vừa có dịp đi tham quan các nông trại, cửa hàng tiêu thụ sản phẩm ở Nhật và cho rằng, điểm đáng chú ý là hầu như toàn bộ nền nông nghiệp của Nhật là ứng dụng công nghệ hữu cơ, tiên tiến nên sản phẩm “sạch” là đương nhiên.

Khắp thành thị, nông thôn ở Nhật, từ mớ rau, con cá, củ khoai đều có bao bì, ghi rõ nơi sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, giá cả và được bán ở các siêu thị hoặc cửa hàng có biển hiệu và địa chỉ rõ ràng. Muốn có thị trường, muốn tiêu thụ được thì sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, đặc biệt là phải “sạch”. Khi người tiêu dùng yêu cầu khắt khe thì buộc người sản xuất phải sử dụng công nghệ hữu cơ, nếu không hàng hóa làm ra không ai mua thì cơ sở sản xuất không thể tồn tại.

Tác giả bài viết khẳng định, qua kinh nghiệm của người Nhật, để có một nền nông nghiệp “sạch” thì phải thay đổi ý thức, tập quán, thị hiếu tiêu dùng của mọi người và toàn xã hội. Trong điều kiện sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên môn hóa ngày càng cao, mọi người đều phụ thuộc lẫn nhau, nên ý thức “mỗi người vì mọi người” phải trở thành phương châm sống của cộng đồng. Điều vô cùng quan trọng nữa, mỗi người dân phải nhận thức được là khi mua sản phẩm “sạch”, dù giá có cao, nhưng bảo đảm được sức khỏe, giảm bệnh tật không những cho thế hệ hôm nay mà cả tương lai con cháu mai sau. Mỗi người cũng cần hiểu, bỏ thêm một ít tiền để mua sản phẩm “sạch” thì lại giảm được nhiều chi phí cho việc chữa bệnh, như thế vẫn có “lãi”. Hơn nữa, với nền sản xuất như vậy, tất cả sản phẩm đều “sạch” nên không có cái “không sạch” để so sánh, lựa chọn về giá cả nữa.

Trông người lại nghĩ đến ta, từ thời chỉ cần “ăn no mặc ấm”, đến nay, chúng ta đang nỗ lực phấn đấu “ăn ngon mặc đẹp” và “ăn sạch uống sạch”. Vì vậy, sản xuất, sử dụng nông sản, thực phẩm “sạch” đang là đòi hỏi, nhu cầu bức thiết của mỗi người, mỗi nhà, cộng đồng xã hội, không phải chỉ vì chất lượng cuộc sống hiện tại mà còn vì tương lai của giống nòi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất “sạch”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO