Quy định luật và ý thức luật

Bình Minh| 25/11/2020 08:19

Dù quy định về bắt buộc phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng đã có hiệu lực trong nhiều ngày qua nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh hiện nay, việc chấp hành này chưa được nhiều người dân thực hiện.

ADQuảng cáo

Tại các điểm chợ, cửa hàng buôn bán, khi tôi hỏi về quy định này, họ tỏ ra bất ngờ và cho rằng chưa nắm được quy định, chưa được tuyên truyền. Số khác tỏ ra lơ là và không thực hiện.

Theo quy định của Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, hành vi không đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 ở nơi công cộng có thể bị phạt tới 3 triệu đồng. Cụ thể tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12, Nghị định 117, hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng. Trước đó, theo Nghị định 176/2013, mức phạt cho hành vi này chỉ từ 100 - 300 ngàn đồng. Như vậy, mức phạt theo Nghị định 117 đã tăng gấp 10 lần so với Nghị định 176 (hết hiệu lực thi hành từ 15/11/2020).

Quy định trong nghị định của Chính phủ rất rõ ràng. Thế nhưng, qua thực tế, để quy định này phát huy hiệu quả trong đời sống cộng đồng thì công tác tuyên truyền thực sự phải đi trước một bước. Bởi trong cuộc sống bộn bề công việc lo toan như hiện nay, nhiều người dân chưa có thời gian để tiếp cận, tìm hiểu những quy định mới. Vì thế, khi được tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức đa dạng, nhấn mạnh vào những điều khoản mấu chốt thì người dân sẽ tiếp nhận thông tin một cách kịp thời và đầy đủ hơn để có ý thức chấp hành thực hiện quy định.

ADQuảng cáo

Về mặt ý thức của người dân, rõ ràng, sau hơn 2 tháng Việt Nam không phát sinh các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, chuyện đeo khẩu trang tại nơi công cộng với nhiều người lại là việc miễn cưỡng, không muốn chấp hành mà lý do chủ yếu là vì cảm thấy bất tiện, không thoải mái. Có người lại cho rằng, hết dịch rồi nên đeo khẩu trang là không cần thiết nên nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là. Thực tế, việc đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, tại nơi công cộng có tác dụng rất lớn. Ngoài che bụi, ngăn ô nhiễm không khí thì việc đeo khẩu trang sẽ góp phần vào phòng ngừa các loại bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp.

Có lẽ, chuyện đeo khẩu trang mỗi khi ra đường hiện nay cũng sẽ giống như tình trạng cách đây nhiều năm khi quy định đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy mới được ban hành. Thực tế đã chứng minh, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy đã mang lại tác dụng to lớn, làm giảm đáng kể các ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Nhiều người đã thoát chết, thoát khỏi khuyết tật vĩnh viễn nhờ đội mũ bảo hiểm. Những giá trị đối với đời sống về việc đeo khẩu trang mang lại đối với sức khỏe của chính mỗi người dân chắc chắn sẽ được chứng minh theo thời gian. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt hiện nay là công tác tuyên truyền, kiểm tra và xử phạt nghiêm sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân về chấp hành quy định mới này.

Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ chỉ là một trong rất nhiều quy định mới được ban hành trong thời gian qua và trong thời gian sắp tới. Để các văn bản, chính sách mới có hiệu lực thì công tác tuyên truyền của các ngành chức năng có liên quan trên địa bàn tỉnh phải được thực hiện tốt hơn, tiếp đến là việc kiểm tra, xử phạt nghiêm minh đối với những người không thực hiện sẽ có tính răn đe, giáo dục rất lớn đến ý thức trách nhiệm vì cộng đồng và cả chính sức khỏe của mỗi người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định luật và ý thức luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO