Phát huy phong trào khởi nghiệp

Tường Mạnh| 25/08/2017 08:48

Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã nhấn mạnh quan điểm: Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

ADQuảng cáo

Để cụ thể hóa quan điểm đó, Nghị quyết 10 cũng đề cập đến nhóm giải pháp về hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; khuyến khích, động viên và lan tỏa tinh thần, ý chí khởi nghiệp, kinh doanh và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, nhất là cộng đồng doanh nghiệp.

Với quan điểm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, trong thời gian qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã có những hành động mạnh mẽ để phá vỡ những “rào cản” bất lợi, động viên, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển. Các ngành, các cấp cũng có nhiều giải pháp thiết thực về cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, góp phần lan tỏa tinh thần, ý chí khởi nghiệp.

Cùng với cả nước, đối với tỉnh Đắk Nông, việc khuyến khích, động viên ý chí khởi nghiệp, kinh doanh của doanh nghiệp không những chỉ là thông điệp, mà đã trở thành hành động cụ thể, với những việc làm thiết thực của chính quyền, ngành chức năng. Điển hình vào tháng 2/2017, thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ về Hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 75 về triển khai Chương trình khởi sự doanh nghiệp năm 2017.

Mục tiêu của chương trình là nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các chương trình hỗ trợ pháp lý, đào tạo nhân lực, xây dựng chiến lược kinh doanh, nguồn vốn ưu đãi, mở rộng thị trường.

ADQuảng cáo

Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập từ 1-2 năm hoặc những doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động được giúp đỡ, hỗ trợ các nội dung liên quan đến việc khởi sự doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, hợp tác xã mới khởi sự được hỗ trợ tư vấn pháp lý từ khâu thành lập đến định hướng chiến lược kinh doanh, tiếp cận vốn vay ngân hàng, tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, các kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước. Doanh nghiệp cũng được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Bám sát vào các nội dung mà Chương trình khởi sự doanh nghiệp đặt ra, trong thời gian qua, các sở, ngành liên quan cũng đã xúc tiến nhiều hoạt động cần thiết.

Có thể nói, trong bối cảnh phát triển chung, mặc dù còn không ít khó khăn, hạn chế, nhưng từ nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành đã luôn có sự đổi mới cách nhìn về thành phần kinh tế tư nhân, nên luôn có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân được bình đẳng trong kinh doanh, làm ăn có hiệu quả.

Vì vậy, với việc ban hành và triển khai Chương trình khởi sự doanh nghiệp, một lần nữa cho thấy quyết tâm của tỉnh trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương nhằm giúp doanh nghiệp khởi sự thành công, làm ăn có hiệu quả, đóng góp cho ngân sách tỉnh cũng như giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, việc tỉnh, các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi sự chỉ mới là điều kiện “cần” mà thôi. Cái chính và quan trọng nhất là bản thân doanh nghiệp cần phải phát huy nội lực của mình, mạnh dạn đổi mới công nghệ, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường thì mới hy vọng khởi nghiệp thành công, phát triển bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy phong trào khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO