Phải biết sợ!

Tường Mạnh| 18/01/2019 09:09

Vào dịp nghỉ Tết Dương lịch mới đây, một người bạn của tôi thuê một chiếc xe khách 29 chỗ ngồi đi từ TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) về Bến Tre để lo việc của gia đình và mời tôi cùng đi.

ADQuảng cáo

Điều đáng nói, trên hành trình cả đi lẫn về, nhất là khi xe chạy trên tuyến quốc lộ 14 qua địa phận của tỉnh Đắk Nông, tài xế lái xe chạy rất từ tốn, đúng với tốc độ quy định, cho dù lắm lúc đường vắng. Giải thích cho việc chạy xe rất đúng luật của mình, anh tài xế cho biết, cảnh sát giao thông tỉnh Đắk Nông kiểm soát “gay gắt” lắm, không thể lơ mơ chủ quan được, chạy sai luật là “dính phạt” ngay.

Thế rồi vui miệng, anh tài xế kể, chạy xe hợp đồng nên thường ra Bắc vào Nam liên tục, khắp mọi cung đường nhưng có lẽ chưa ở đâu anh thấy lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra “gay gắt” như ở Đắk Nông. Trên dọc tuyến quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn Đắk Nông, nếu không có lực lượng làm nhiệm vụ chốt chặn thì cũng sẽ có những điểm cài máy kiểm tra tốc độ rất bất ngờ, thậm chí có cả đội ngũ “cộng tác viên” dùng điện thoại chụp cảnh lấn làn lấn tuyến, vượt ẩu, nên rất sợ. Lắm lúc vào đêm khuya những tưởng không có lực lượng làm nhiệm vụ, chủ quan phóng nhanh một tý là ngay lập tức sau đó bị phạt với bằng chứng hình ảnh vượt quá tốc độ, chạy lấn tuyến rất rõ ràng, đầy đủ, không thể chối cãi được. Từ vài lần “dính phạt” đó, anh đã “thấm đòn”, mỗi khi chạy xe tham gia giao thông, bất kể ở tuyến đường nào, điều đầu tiên là tự nhắc nhở bản thân phải luôn tuân thủ một cách nghiêm túc các quy định của pháp luật giao thông.

Quả thật, trong suốt hành trình, ngồi trên xe, chúng tôi thấy anh tài xế chạy xe rất từ tốn, điềm tĩnh, tốc độ vừa phải, chẳng lúc nào dám lấn làn, vượt ẩu. Lắm lúc gặp đằng trước có chiếc xe tải nặng chạy chậm nhưng đang ở đoạn đường có vạch sơn liền, anh tài xế cũng chậm rãi chạy sau, không dám vượt ẩu, đợi khi đến đoạn đường cho phép vượt thì mới xin phép vượt lên. Thậm chí, đến đoạn Cầu 20 đang thi công, gặp các biển báo yêu cầu giảm tốc độ đến 20 km/h, mặc dù miệng càu nhàu là xe lớn làm sao chạy được ở tốc độ này nhưng rồi anh tài xế vẫn giảm tốc độ, lái xe “bò” rất chậm.

ADQuảng cáo

Anh tài xế cho biết, chạy xe hợp đồng, mỗi chuyến trừ chi phí này nọ chỉ được vài triệu đồng, nếu chạy lơ mơ, sai luật, bị “dính phạt” thì coi như chuyến đó “làm không công”. Vả lại, làm tài xế đường dài, chẳng ai nói trước được điều gì, mình cứ lái xe đúng luật, chạy đúng tốc độ, nghiêm túc, vừa không vi phạm pháp luật vừa bảo đảm an toàn tính mạng cho hành khách và nhiều người xung quanh.

Anh tài xế còn khẳng định: Mấy “ông” cảnh sát giao thông Đắk Nông làm “gắt” như vậy, bản thân lắm lúc cũng tức nhưng thực tình họ làm đúng luật, tạo sự răn đe chung cho toàn xã hội, nhất là cánh tài xế, tất cả cũng vì sự an toàn của mọi người khi tham gia giao thông mà thôi. Đặc biệt qua đó, cánh tài xế phải biết sợ thì mới tuân thủ pháp luật giao thông một cách nghiêm túc, chứ không thì cứ lờn mặt, chạy ẩu, gây tai họa cho bản thân và mọi người xung quanh, thà chậm một phút còn hơn ân hận cả đời.

Vậy rồi, với phương châm “phải biết sợ” đó, trên suốt hành trình, anh tài xế điều khiển phương tiện bảo đảm an toàn, đưa mọi người “đi đến nơi về đến chốn”, được anh bạn tôi thưởng thêm cho một số tiền ngoài số đã hợp đồng. Anh bạn tôi bảo, mình cũng thường lái xe ô tô qua Đắk Nông lo công việc, nhưng mỗi khi ra đường thì luôn nhắc nhở bản thân đầu tiên phải tuân thủ pháp luật giao thông, một phần vì sợ bị phạt, một phần cũng vì sự an toàn của bản thân và mọi người xung quanh.

Rõ ràng, ở một góc độ nào đó, chuyện “phải biết sợ” như nói trên có tác dụng tích cực rõ rệt, nhất là đối với cánh tài xế. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi tham gia giao thông, đó là mọi người dân luôn phải nghiêm túc chấp hành, tuân thủ pháp luật giao thông thì không cần “phải sợ” vì chẳng ai phạt được mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải biết sợ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO