Nông dân cũng là bên "quyết định" tái cơ cấu nông nghiệp

Tường Mạnh| 04/11/2016 09:13

Theo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các bộ, ngành Trung ương thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông mới đây, một trong những vấn đề mà nông dân trong tỉnh băn khoăn, đó là hiện nay giá các loại nông sản đang xuống thấp, sản lượng tồn đọng luôn là nỗi lo, gánh nặng đối với họ.

ADQuảng cáo

Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tích cực tìm giải pháp khả thi, định hướng sản xuất, tăng cường hiệu quả việc liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân), nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân để có cuộc sống ổn định, có động lực giữ đất sản xuất nông nghiệp, làm giàu cho bản thân và làm giàu cho đất nước.

Mong muốn đó của nông dân thực sự hết sức chính đáng. Thế nhưng, để đáp ứng được mong muốn đó là một bài toán khó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành phối hợp với nhau. Theo trả lời của Bộ Nông nghiệp - PTNT, hiện nay Bộ đang nghiên cứu dự thảo để trình Chính phủ ban hành nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản nhằm tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, hỗ trợ các đối tượng tham gia vào liên kết.

Về mặt vĩ mô là vậy, nhưng thực tế cho thấy, nông dân đang phải đối mặt với tình trạng giá các loại nông sản không ổn định. Điều này dẫn đến tình trạng chặt cây nọ trồng cây kia theo thời giá đã xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là ở Tây Nguyên.

ADQuảng cáo

Nguyên nhân phần lớn là do quá trình sản xuất nông nghiệp lâu nay hầu như sản xuất ít khi theo đúng quy hoạch. Tình trạng nông dân sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm” và chạy theo phong trào vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Nói một cách khác là “quy hoạch một đàng, sản xuất một nẻo” nên dẫn tới sản phẩm nông sản làm ra lắm lúc cung vượt quá cầu, chịu nhiều tác động của thị trường. Chỉ cần khi thị trường thế giới bị “hắt hơi, sổ mũi”, là ngay lập tức nông dân phải hứng chịu rủi ro.

Điển hình như chuyện cây cao su, một thời được mệnh danh là “vàng trắng”, nông dân ồ ạt trồng, nhưng rồi khi thị trường có những biến động theo chiều hướng bất lợi, lại bị phá bỏ không thương tiếc. Còn gần đây, khi giá hồ tiêu tăng đến tốc độ “chóng mặt”, nông dân lại đổ xô vào trồng tiêu, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.

Theo Bộ Nông nghiệp - PTNT, để khắc phục và giúp nông dân sản xuất ổn định, tăng thu nhập, nâng cao mức sống, trong quá trình điều hành, Chính phủ nhất quán chủ trương chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương, quyết liệt triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, trước hết, chính nông dân phải là người quyết định trong việc điều chỉnh sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với thị trường tiêu thụ. Ngoài sự vào cuộc của Nhà nước, ngành chức năng trong việc triển khai các biện pháp mang tính vĩ mô, nông dân phải biết nâng cao nhận thức, tuân thủ quy hoạch, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo phong trào, bảo đảm sản xuất ổn định, bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân cũng là bên "quyết định" tái cơ cấu nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO