Nhà vệ sinh bệnh viện

Bình Minh| 30/08/2017 14:17

Đã nhiều ngày rời khỏi bộ phận truyền nhiễm của Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông) nhưng tôi vẫn còn khá ám ảnh bởi nhà vệ sinh nhưng mất vệ sinh nơi đây.

ADQuảng cáo

Hôm ấy, cậu con trai tôi bị bệnh tay chân miệng nên bác sĩ yêu cầu phải điều trị nội trú để theo dõi đề phòng có những biến chứng. Sau khi làm thủ tục, tôi được cô y tá dẫn vào một phòng khá tối do hôm đó mất điện lại đúng vào dịp cuối tuần. Mở cửa nhà vệ sinh để đi vệ sinh thì tóa hỏa vì quá bẩn thỉu. Nền nhà vệ sinh nhầy nhụa, trên bệ và bồn cầu thì bám đủ mọi thứ không thể tả. Đã vậy, nhà vệ sinh lại không còn đầy đủ các bộ phận theo thiết kế ban đầu của nó. Sau khi cố nín thở để làm cho “xong nhiệm vụ”, tôi phải múc từng ca nước ở phía bên ngoài rồi dội vào.

Có lẽ căn phòng này hình như đã lâu không có bệnh nhân nên khá ẩm mốc, nhà vệ sinh mất vệ sinh, thời tiết lại nóng nực nên “cực chẳng đã”, tôi đành trình bày với bác sĩ xin được đưa con về điều trị ngoại trú, có mệnh hệ gì gia đình chịu trách nhiệm.

Chuyện nhà vệ sinh ở bệnh viện hiện nay không còn là chuyện nhỏ nữa, vì cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều cảm thấy đây thực sự là nỗi ám ảnh khi thường xuyên phải chịu cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu. Bức xúc, nhiều người cho biết đã phản ánh qua đường dây nóng nhiều lần rồi nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Đến bệnh viện để được chữa bệnh, chăm sóc, cải thiện sức khỏe, tinh thần song lại chịu áp lực về điều kiện sinh hoạt, mất vệ sinh của... nhà vệ sinh thật là điều không đáng có.

ADQuảng cáo

Tình trạng nhà vệ sinh “3 không” (không có nước, không có giấy vệ sinh, không có bồn rửa tay) vẫn còn khá phổ biến. Mới đây, tại hội nghị tổng kết của ngành Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh: Nếu bệnh viện không xanh, sạch, nhà vệ sinh bẩn thỉu... thì giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm. Người đứng đầu của ngành Y tế nói vậy, nhưng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý trách nhiệm vẫn chưa được triển khai nên tình trạng này vẫn đâu lại vào đó.

Tình trạng nhà vệ sinh bẩn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường, trong đó nguy cơ nặng nhất là người bệnh, người nhà bệnh nhân, thậm chí cả y, bác sĩ cũng có thể bị nhiễm bệnh. Để chấm dứt tình trạng nhà vệ sinh mất vệ sinh ở bệnh viện ngoài có các quy định, hướng dẫn cụ thể về thực hiện vệ sinh trong cơ sở y tế, trong đó quy rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị chuyên môn kỹ thuật, người đứng đầu cơ sở y tế thì việc đẩy mạnh thanh kiểm tra các bệnh viện, cơ sở y tế để bảo đảm tốt việc thực thi các quy định, hướng dẫn này cũng cần được triển khai thường xuyên và xử lý vi phạm nghiêm minh hơn.

Trong khi chờ những giải pháp hữu hiệu của ngành Y tế thì bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều cho rằng, vấn đề nhà vệ sinh tại các bệnh viện sớm được lãnh đạo các cơ sở quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, giám sát để giải quyết tình trạng trước mắt, đưa lại thiện cảm của người dân mỗi khi đến bệnh viện, vì tình hình này không thể kéo dài được thêm nữa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà vệ sinh bệnh viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO