Nêu gương bằng việc làm cụ thể

Bình Minh| 31/10/2018 10:13

Nêu gương trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo không phải là câu chuyện mới và cũng không phải bây giờ mới được đặt ra mà vấn đề này đã được đề cập nhiều.Thế nhưng, việc nêu gương cần phải được kiểm chứng bằng những việc làm cụ thể, thực chất, tránh hô hào, nêu gương chung chung.

ADQuảng cáo

Nhờ sự gương mẫu, tiên phong của ông Hoàng Đức Ái (bên trái) ở thôn 1, xã Nam Dong (Cư Jút) về hiến đất để làm đường bê tông mà nhiều người dân trong thôn đã làm theo. Ảnh: Hoàng Hoài

Tháng 6/2012, Ban Bí thư đã ban hành Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Tháng 12/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Và không phải ngẫu nhiên mà trong 5 năm của 2 nhiệm kỳ liên tiếp gần đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã 2 lần ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) để bàn sâu về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà mấu chốt là vấn đề tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, qua thực tiễn vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và có hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… gây bức xúc trong nhân dân. Bài học đau xót từ một số vụ việc cán bộ cấp cao của Đảng, từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương cho đến người đứng đầu một số địa phương, bộ ngành… mắc phải sai lầm, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật, tham nhũng, tiêu cực… bị đưa ra xét xử hoặc cho thôi chức, kỷ luật Đảng, khai trừ ra khỏi Đảng đã phần nào làm mất đi niềm tin của người dân đối với Đảng. Dù chỉ là một bộ phận nhỏ trong Đảng vi phạm, nhưng lại vô hình chung đã tạo ra sự hoang mang đối với người dân.

ADQuảng cáo

Chính vì vậy, việc Ban Chấp hành Trung ương khóa XII vừa ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, thể hiện sự “nâng tầm” so với Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư, khóa XI và yêu cầu cao về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng.

Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng trong điều kiện hiện nay. Thế nhưng, nêu gương phải bằng những việc làm cụ thể, hành động cụ thể, tránh hô hào chung chung, không thực chất, nêu gương trên lý thuyết. Để tránh nêu gương một cách hình thức, việc đánh giá kết quả làm việc của từng cá nhân chỉ có thể bằng cách qua hành động cụ thể trong thực tiễn chứ không phải chỉ nghe báo cáo, viết báo cáo cho hay.

Việc nêu gương trước mắt là tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm, ở từng lĩnh vực, địa phương, đơn vị mà người dân quan tâm, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên theo các kênh khác nhau. Nêu gương phải cụ thể, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc sử dụng xe công, tổ chức việc cưới, việc tang, tham dự lễ hội… đến việc nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công việc, của cán bộ, đảng viên.

Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả là ý thức trách nhiệm trong mỗi người về sự tận tâm, sáng tạo với công việc được giao, hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc mới là điều trân trọng nhất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nêu gương bằng việc làm cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO