Nâng cao năng lực “hấp thụ” thông tin

Bình Minh| 26/03/2019 14:07

Sau khi xuất hiện thông tin giả trên mạng xã hội facebook về dịch heo châu Phi xuất hiện tại huyện Đắk Mil, chị Tr gần nơi tôi ở đã rất hoang mang, lo lắng, vì cứ tưởng thông tin mà nhiều người chia sẻ, bình luận kia là của báo chí đưa. Vì không phân biệt được tin thật, giả nên gia đình chị và nhiều hộ khác đã không dám ăn thịt heo.

ADQuảng cáo

Thay vào đó, chị và nhiều gia đình chung nhau mua dê, gà về làm thịt ăn trong nhiều ngày. Gia đình chị Tr và các hộ khác “quay lưng” hẳn lại với thịt heo. Tình hình này chỉ được cải thiện và bình thường trở lại, khi chị được giải thích rõ hơn về các nguồn tin trên mạng xã hội hiện nay, nhất là thông tin dịch heo châu Phi xuất hiện tại huyện Đắk Mil chỉ là giả mạo nhằm câu lượt thích, bình luận, chia sẻ hoặc cố tình đưa tin giả để thực hiện một âm mưu nào đó.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xuất hiện hai thông tin giả. Ngoài tin giả về dịch heo châu Phi xuất hiện tại huyện Đắk Mil thì thông tin bắt cóc trẻ em tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp cũng gây hoang mang dư luận. Điều đáng nói những thông tin kiểu như thế này lại được nhiều người dùng facebook chia sẻ, trong đó có không ít người là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Sự nhầm lẫn tai hại này, làm nhiễu loạn thông tin, gây thêm hoang mang dư luận.  

ADQuảng cáo

Mạng xã hội có tác động lớn đến đời sống của người dân. Sự xuất hiện của truyền thông xã hội đã góp phần giúp người sử dụng có thêm các công cụ để chia sẻ thông tin, cập nhật kiến thức. Trong nhiều trường hợp, truyền thông xã hội còn là phương tiện hữu ích để thể hiện cảm xúc, chia sẻ suy nghĩ, gắn kết các mối quan hệ. Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội cũng vô vàn.

Thực tế, các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội đã và đang dùng mọi thủ đoạn, triệt để lợi dụng Internet, mạng xã hội để tuyên truyền, phát tán những thông tin xấu, độc hại. Các đối tượng còn thực hiện các phương thức bóp méo sự thật, tạo tâm lý tò mò, gây hiệu ứng đám đông. Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch đã âm thầm thông qua mạng xã hội để thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nhiều tầng lớp Nhân dân.

Mỗi ngày mạng xã hội chuyển tải hàng ngàn thông tin khác nhau. Trong đó, tình trạng tin giả với mục đích “câu” bình luận, lượt thích và nguy hiểm hơn là nói xấu lẫn nhau. Hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội trên địa bàn tỉnh rất lớn. Vì thế, mỗi người dân, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần hết sức thận trọng, có nhận thức đúng đắn khi tiếp cận với các loại thông tin. Và quan trọng hơn cả là cần phân biệt các thông tin của báo chí với các thông tin giả mạo để góp phần ngăn chặn sự khuếch tán của các dòng tin độc hại, không vô tình biến mình thành công cụ của các phần tử bất mãn, suy thoái lợi dụng, gây mất an ninh trật tự và sự phát triển kinh tế, xã hội.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực “hấp thụ” thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO