Mong muốn của nông dân

H.M| 02/10/2017 10:26

Trong một chuyến xe đò từ Gia Nghĩa đến Buôn Ma Thuột, tình cờ ngồi gần hai bác nông dân ở huyện Đắk Song.

ADQuảng cáo

Trong “câu chuyện làm quà” ban đầu chúng tôi hỏi han xã giao, sau thấy gần gũi, thân thiện bởi nhiều việc trong cuộc sống được chia sẻ, đồng cảm. Dĩ nhiên là tôi chia sẻ và cung cấp lại những thông tin mà hai bác chưa hiểu hết hoặc có chỗ hiểu chưa đúng về chủ trương của Đảng, chính sách nhà nước đối với đời sống, sản xuất nông dân, an sinh xã hội... dẫn đến có lúc cũng bức xúc. Khi biết tôi làm báo, hai bác gần như trải lòng thật về những khó khăn, rủi ro mà người nông dân hiện nay phải gánh chịu.

Đó là giá cả, đầu ra nông sản, vật nuôi luôn bấp bênh không ổn định. Chi phí, đầu vào sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực... cao nhưng chất lượng không bảo đảm. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày một diễn biến phức tạp nhưng chưa có giải pháp hiệu quả.

Nói về dịch bệnh thời gian qua cây tiêu là phổ biến, còn bệnh trên cây bơ hay bơ booth nghe rất mới. Còn thực tiễn, theo hai bác nông dân kể trên là không mới và nó đã xảy ra ở gia đình họ, cũng như với nhiều gia đình khác. Cũng với mục đích là chuyển đổi cây trồng, họ chọn cây bơ booth và mỗi gia đình trồng 150 cây. Hiện tại gần được 3 năm trồng, chăm sóc, chuẩn bị bước vào kinh doanh thì nhiều cây bơ bị bệnh chết. Hai bác nông dân đếm từng cây bị chết, một người bị chết 40 cây, một người vườn bơ bị chết 49 cây; họ xót vì đây là “cây kinh tế” của gia đình. Hai bác nông dân bảo đã hết phương cứu chữa vì đã mời các kỹ sư, chuyên gia đến “khám, chữa bệnh” song vẫn không cứu được. Và lần này họ lên Viện Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để tìm hiểu cây trồng, rồi sắp tới cũng phá bỏ vườn bơ chuyển cây trồng khác.

ADQuảng cáo

Qua trải lòng của hai bác nông dân ở Đắk Song cho thấy cũng là nỗi lo chung của nông dân tỉnh ta hiện nay. Thực tế là người nông dân rất chịu khó, cần cù, sáng tạo trong làm ăn, song điều kiện, môi trường để họ vươn lên, thoát nghèo làm giàu còn nhiều hạn chế.

Chẳng hạn, giá cả, đầu ra sản phẩm cây trồng, vật nuôi không ổn định, buộc nông dân phải đa cây, đa con để tránh rủi ro. Nhưng nuôi con gì, trồng cây gì không phải dễ vì nông dân cũng tự “lầm lũi” dò đường, nên hệ quả dễ thấy là chạy theo phong trào: Lạm phát diện tích hồ tiêu, bơ booth; chăn nuôi gia súc, gia cầm tự phát... Dù vậy, đau đầu nhất đối với nông dân hiện nay là kiểm soát dịch bệnh cây trồng vật nuôi. Thời gian qua, hàng trăm ha hồ tiêu của nông dân trong tỉnh chết vì bệnh, nhiều người dốc hết sức lực, của cải đầu tư trở thành trắng tay.

Nguyên nhân khiến một số cây trồng thời gian qua bị bệnh thì nhiều như: Đầu tư chăm sóc chưa đúng cách, do giống chưa bảo đảm, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Song điều mà hầu hết nông dân lo sợ nhất đó là vớ phải thuốc bảo vệ thực vật, phân bón dởm. Chăm sóc cây trồng không thể thiếu các thức này, nhưng mua đụng phải sản phẩm dỏm, giả thì nông dân “tiền mất tật mang”, trắng tay mà chẳng biết kêu ai. Do vậy, điều nông dân mong muốn lúc này là nhà nước, cơ quan chức năng quan tâm, sát cánh cùng họ trong việc giám sát chất lượng các nguồn vật tư, bảo vệ thực vật một cách kịp thời, hiệu quả nhất.

Nông dân mong mỏi là thực tế bởi trên thị trường có hàng trăm thương hiệu, nhãn hiệu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà cơ quan chức năng còn chưa kiểm soát được, huống gì nông dân. Đây cũng chính là bất cập về quản lý nhà nước trong sản xuất, lưu thông sản phẩm đặc thù có ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế, sức khỏe, môi trường của chúng ta cần sớm có giải pháp khắc phục.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mong muốn của nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO