Lười biếng và chăm chỉ

Lan Hương| 19/09/2014 09:31

Theo kết quả đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thì năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á do lao động chưa qua đào tạo và thiếu kỹ năng mềm. Năm 2013, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore đến 15 lần và tốc độ tăng năng suất lao động Việt đang giảm dần.

ADQuảng cáo

Nói đến năng suất lao động không phải chỉ nói đến lực lượng công nhân, lao động tham gia sản xuất trực tiếp tại các nhà máy, công ty… mà còn bao gồm cả lĩnh vực hành chính, xây dựng chính sách của quốc gia.
Sau khi thông tin này được công bố, có rất nhiều bàn luận, tranh cãi, thậm chí còn có không ít ý kiến áp đặt hàng loạt thói xấu của người Việt có liên quan đến thông tin vừa nêu trên.

Chẳng hạn có ý kiến cho rằng, từ những việc nhỏ nhất người Việt cũng đã thể hiện sự lười biếng của mình, vứt rác bừa bãi, trồng rau cũng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng để rau lớn nhanh, có nghĩa không cần làm nhiều, đầu tư thời gian ít mà lại thu được lợi nhuận cao. Trong khi đó, hơn 30% số lượng công chức hiện nay lại trong tình trạng sáng cắp ô đi, tối cắp ô về…

Hình như chúng ta đang lẫn lộn từ chuyện nọ sang chuyện kia. Người Việt lười hay chăm là một chuyện; còn việc vứt rác ra đường, sử dụng thuốc tăng trưởng để rau lớn nhanh, 30% công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về lại là những chuyện rất khác, đó không hoàn toàn là những biểu hiện của tính lười.

Nói như GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng trường Đại học KHXH và NV - ĐHQG TP.HCM, thì chúng ta đang nói về câu chuyện văn hóa, mà văn hóa thì rất đa dạng, cùng một hiện tượng có thể có nhiều nguyên nhân chồng chéo lên nhau. Đa số người Việt đều vốn từ nông thôn chuyển ra đô thị. Việc hôm qua vứt cái vỏ chuối ra đường làng và hôm nay vứt bao nilon ra đường phố về bản chất không có gì khác nhau, cũng không liên quan gì đến việc chăm hay lười, nhưng do bối cảnh khác nhau nên có hậu quả khác nhau rất xa.

ADQuảng cáo

Năng suất cao, lợi nhuận nhiều thì ai chả muốn. Các loại thuốc tăng trưởng, tăng trọng đều là phát minh của người phương Tây. Việc hiện nay người phương Tây đã nhận thức được tác hại của chúng và bắt đầu dừng lại, trong khi người Việt Nam chỉ mới bắt đầu làm quen và ồ ạt lạm dụng thì có nhiều nguyên nhân. Một bộ phận là do thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đến nơi đến chốn. Số đông thì thể hiện sự vô trách nhiệm, “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Phần lỗi quan trọng khác là do quản lý lỏng lẻo, pháp luật không nghiêm.

Bởi vậy, câu chuyện người Việt chăm hay lười, phải xem xét trong từng hoàn cảnh cụ thể. Nếu là làm việc cho mình, cần chăm thì họ sẽ rất chăm. Còn nếu là làm cho người khác, lợi ích không rõ ràng thì, với bản tính tư hữu, ích kỷ, họ sẽ “không dại gì” mà chăm chỉ.

Chả thế mà trước đây, khi phải gia nhập hợp tác xã nông nghiệp, với nhận định “Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho quản trị xây nhà xây sân”, người nông dân Việt đã rất “lười”, cố tình đi muộn về sớm. Thế nhưng chỉ cần thay đổi cách quản lý bằng việc chuyển sang khoán hộ, năng suất lao động ở tất cả các địa phương từ Bắc chí Nam đều ngay lập tức tăng lên đột biến.

Khi làm việc trong các cơ quan nhà nước, đồng lương trả không tương xứng, quản lý lỏng lẻo thì con số 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” là không có gì lạ. Nhưng cũng vẫn những người Việt Nam ấy, khi vào làm trong các công ty nước ngoài quản lý tốt, trả lương cao thì rõ ràng là họ đã chăm chỉ khác thường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lười biếng và chăm chỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO