Loay hoay với giao khoán rừng thông

Bình Minh| 18/09/2019 09:39

Câu chuyện gần 400 cây thông đã 40 năm tuổi bị đầu độc chết đồng loạt tại khoảnh 8, tiểu khu 1699 thuộc rừng phòng hộ dọc quốc lộ 14 trên địa bàn thôn Păng Sim, xã Trường Xuân (Đắk Song) vừa xảy ra lại một lần nữa khiến không ít người xót xa và trăn trở.

ADQuảng cáo

Toàn bộ diện tích thông bị đầu độc chết này được giao khoán cho hộ gia đình ông Lê Xuân Thủy có hộ khẩu tại địa phương quản lý, bảo vệ, phần nào cho thấy, chính sách giao khoán của huyện Đắk Song thực hiện trước đó không hiệu quả. Đây không phải là lần đầu mà đã là lần thứ 3 trong năm 2019, rừng thông trên địa bàn xã Trường Xuân bị đầu độc bằng hóa chất với số lượng lớn khiến gần 700 cây thông bị chết “tức tưởi”.

Không chỉ riêng tại xã Trường Xuân mà trên địa bàn xã Đắk N’Drung, tình trạng cây thông bị đầu độc với số lượng lớn cũng xảy ra tương tự. Thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2018 đến nay, khu vực này đã có tới hơn 2.000 cây thông bị “bức tử”. Đó là chưa kể hàng chục vụ vi phạm nhỏ lẻ khác chưa thống kê hết được.

Trở lại với chính sách giao khoán rừng thông, từ năm 2017, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song đã tiến hành giao khoán hơn 215 ha cho 57 hộ và nhóm hộ, 7 ban tự quản ở xã Nâm N’Jang và hơn 127 ha cho 28 hộ gia đình và 1 tổ chức ở xã Trường Xuân quản lý, bảo vệ.

Phải khẳng định rằng, chính sách giao đất, giao rừng cho người dân quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng là một chủ trương đúng đắn. Thế nhưng, chính sách này chỉ phát huy hiệu quả khi các điều khoản trong hợp đồng giao quán chặt chẽ với các chế tài đủ mạnh để thấy rõ được quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan.

ADQuảng cáo

Thực tiễn từ thực hiện các hợp đồng giao khoán cho thấy, chưa có chế tài xử lý việc để thông bị đầu độc chết khi không tìm ra đối tượng phá hoại. Trong khi đó, một số trường hợp nhận khoán không đúng đối tượng hoặc không quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ diện tích thông được giao khoán khiến cho tình trạng rừng thông bị phá vẫn liên tiếp diễn ra.

Trường hợp các hộ gia đình được giao khoán để xảy ra chết cây, mất diện tích đất rừng, phá hoại rừng thông, Hạt Kiểm lâm huyện cũng chủ yếu lập biên bản, yêu cầu hộ, nhóm hộ khắc phục hậu quả và quyền sử dụng đất sẽ bị thu hồi giao cho các hộ khác. Mặc dù về mặt câu chữ ghi trong hợp đồng giao khoán là vậy nhưng khi các cơ quan chức năng yêu cầu các hộ gia đình khắc phục hậu quả để mất rừng thông thì thực sự rất khó khăn.  

Hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song đang đề xuất với huyện thu hồi nhiều diện tích rừng thông do các hộ dân nhận khoán mà quản lý, bảo vệ không hiệu quả. Sau đó, số diện tích này lại tiếp tục bàn giao cho các hộ dân nhận khoán khác quản lý, bảo vệ. Nhiều ý kiến cho rằng, liệu những gia đình được giao khoán mới có đủ năng lực để quản lý, bảo vệ rừng thông vì quyền lợi, trách nhiệm không thay đổi, trong khi hoạt động lấn chiếm đất rừng mở hàng quán buôn bán ngày càng “ăn nên làm ra”, ấy là chưa nói đến giá trị đất dọc quốc lộ 14 ngày càng lớn.

Việc thực hiện hợp đồng giao khoán và việc phá vỡ hợp đồng vì vấn đề lợi ích đang rất mong manh nếu các điều khoản ký kết, tức là chế tài kèm theo không chặt chẽ và không đủ mạnh thì vòng xoay giao khoán-thu hồi rồi lại thu hồi-giao khoán cứ thế luẩn quẩn mãi mà thiệt hại cuối cùng là tài sản của Nhà nước, đó là rừng thông được trồng từ năm 1979 tiếp tục "bức tử" mà chưa biết khi nào mới dừng lại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay với giao khoán rừng thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO