Loại bỏ cán bộ "làng nhàng"

Bình Minh| 25/07/2018 10:04

Dù đã trôi qua một thời gian nhất định nhưng câu chuyện về tình trạng cán bộ “làng nhàng” mà ông Tô Quang Phán, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội phát biểu tại Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội vẫn được dư luận hết sức quan tâm.

ADQuảng cáo

Theo ông Phán, hiện nay Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội có khoảng 40% cán bộ, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Đi công tác cùng lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Đài không dám cử 40% cán bộ, viên chức yếu kém này. Thường thường, họ cứ đi ra, đi vào thôi, không cãi ai, không chửi ai. Bình bầu cuối năm, ai cũng toàn tiên tiến, chiến sĩ thi đua, ai cũng hoàn thành nhiệm vụ nên rất khó đuổi. 40% cán bộ, viên chức này cũng không bỏ được, không loại được vì là con ông này, cháu bà kia từ thành phố đến Trung ương trở xuống. Những tồn tại này là do lịch sử để lại.

Nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng ở Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội cũng là vấn đề chung ở nhiều ngành, địa phương trong cả nước hiện nay và Đắk Nông cũng không ngoại lệ. Chỉ có điều, ông Tô Quang Phán có thể là người đầu tiên mạnh dạn lên tiếng và được dư luận quan tâm, bức xúc về vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức “làng nhàng” đối với nhiều cơ quan, đơn vị ở các cấp có nơi hiện nay còn có thể cao hơn. Thế nhưng, để chỉ ra số người không làm được việc hoặc làm việc “làng nhàng” là ai thì ai cũng e ngại vì nhiều lý do khác nhau.

ADQuảng cáo

Tìm giải pháp loại bỏ được cán bộ làm việc “làng nhàng”, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, cách xử lý tốt nhất hiện nay là phải xây dựng được cơ chế đánh giá theo công việc thực tế đã làm của cán bộ. Trên nền tảng cơ chế như thế, người lãnh đạo mới có cơ sở để xử lý tình trạng cán bộ “làng nhàng”. Còn nếu chưa xây dựng được cơ chế như vậy, cán bộ làm được bao nhiêu thì làm, không đánh giá theo đầu mục công việc thì người quản lý dù có công tâm, tiến công trực diện thì cũng rất khó khăn trong việc xử lý về vấn đề này. Trong đó, các tiêu chuẩn làm việc, quy chế làm việc của cơ quan, công sở phải rõ ràng.

Trong luật Cán bộ công chức cũng có rồi nhưng cụ thể như thế nào với từng đơn vị phải rõ ràng. Do đó, khi có tiêu chí đánh giá thì cơ quan, đơn vị cứ căn cứ vào đó để đánh giá kết quả cán bộ làm việc. Nếu hoàn thành tốt thì người cán bộ đó được khen thưởng, động viên còn làm không tốt thì sẽ bị xử lý bằng các hình thức hết sức cụ thể.

Trong thời điểm hiện tại khi mà cả nước đang đẩy mạnh thực hiện công tác tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm các đầu mối thì việc rà soát để loại bỏ những người không làm được việc trên cơ sở các tiêu chí đánh giá đã quy định cụ thể thì sẽ góp phần rất quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loại bỏ cán bộ "làng nhàng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO