Lấy lại niềm tin cho người bệnh

H.V| 29/02/2016 14:12

Trong hơn 10 năm qua, tuy còn nhiều khó khăn, song tỉnh ta vẫn dành sự ưu tiên đầu tư về nhiều mặt cho ngành Y tế như: Củng cố, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tuyến y tế từ tỉnh đến cơ sở; quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực…

ADQuảng cáo

Trình độ chuyên môn đội ngũ y bác sĩ ngày càng được nâng lên, tiếp cận làm chủ các thiết bị y tế hiện đại phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt vấn đề y đức, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh được ngành Y tế chú trọng. Những nỗ lực trên đã đem lại kết quả là ngành Y tế tỉnh nhà đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Một số chuyên khoa, lĩnh vực đòi hỏi trình độ, tay nghề cao thì một số bệnh viện trong tỉnh đã thực hiện được.    

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, công tác khám chữa bệnh của chúng ta hiện chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như yêu cầu của nhân dân. Hệ thống các bệnh viện đa khoa trong tỉnh thời gian qua chủ yếu khám, chữa trị những bệnh thông thường, còn bệnh nặng một chút, khó một chút… thì chuyển tuyến trên hoặc người nhà bệnh nhân yêu cầu phải chuyển. Đây là vấn đề cần phải nhìn nhận và có giải pháp trong thời gian tới.

Câu hỏi đặt ra là tại sao vậy ? Có nhiều nguyên nhân, nhưng cái đầu tiên và quan trọng nhất là niềm tin của người bệnh, người nhà bệnh nhân giảm sút. Thời gian qua, tuy một số bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa tỉnh có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, điều trị, chữa trị thành công cho nhiều ca bệnh khó, “thập tử nhất sinh”.

Song, bên cạnh đó thì cũng có không ít sai sót trong khám, chẩn đoán bệnh, dẫn đến điều trị không đúng, nếu không chuyển tuyến trên kịp thời thì nguy cơ tử vong cho người bệnh là rất cao. Rồi rất nhiều trường hợp khám, chẩn đoán bệnh sai trật lất, con kiến thì nói con…voi, làm cho bệnh nhân, thân nhân lo lắng, hoang mang… Nhiều trường hợp đau bụng thường thì bác sĩ khám bảo là …ung thư; đau cổ thì mổ tai, đến khi vào các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh mới ra bệnh và nhiều trường hợp chẩn đoán “chết người” thì họ chỉ bị những bệnh thông thường.

ADQuảng cáo

Những nhầm lẫn, sai sót trong khám, chẩn đoán bệnh rõ ràng là do trình độ, tay nghề của người khám; cũng có thể là hạn chế về thiết bị máy móc hoặc sự xem nhẹ, chủ quan của bác sĩ. Dù là gì đi nữa thì có nhiều vấn đề đặt ra cho ngành Y tế trong thời gian tới, nhất là coi trọng nhân lực. Có “vật lực”, cơ sở hoành tráng, thiết bị hiện đại nhưng thiếu đội ngũ y bác sĩ có tài, tâm huyết, có trình độ chuyên môn cao, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, tiếp cận, làm chủ thiết bị, thành tựu y học…thì chất lượng khám chữa bệnh khó mà nâng lên được.      

Một vấn đề khác cũng được nói nhiều thời gian qua đó là y đức, thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sĩ trong khám chữa bệnh. Ngành Y tế đang làm mạnh từ Trung ương đến cơ sở, thực tế là có chuyển biến. Đại đa số đội ngũ y bác sĩ đã thể hiện đúng bản chất công việc xã hội đã dành cho họ “Lương y như từ mẫu”, “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Nhiều tấm gương, tấm lòng dốc hết tâm sức của y, bác sĩ cứu người bệnh đã làm xúc động trái tim bao người. Nhưng vẫn còn đó một bộ phận y bác sĩ  “làm rầu nồi canh” khi họ không toàn tâm toàn ý với nghề, lấy việc chung làm việc riêng, vòi vĩnh trên khó khăn, đau khổ của người bệnh, thân nhân.

Khi làm việc chung khám bệnh tại bệnh viện thì thái độ của họ khô cứng, không "cạy" được nụ cười; nhưng khi đến khám phòng tư của các bác sĩ này thì nhận được sự xởi lởi chào đón. Như vậy rõ ràng đã xem nhẹ việc công, coi trọng việc tư, coi trọng đồng tiền, mong muốn làm sao để nhanh giàu có hơn là nhiệm vụ cao quý đã giao cho họ là chăm sóc và cứu người.

Lấy lại niềm tin cho người bệnh, thân nhân người bệnh không còn là nhiệm vụ mà đó còn là “mệnh lệnh của trái tim” của ngành Y tế nói chung, đội ngũ y bác sĩ nói riêng. Bên cạnh các giải pháp khác, thì đòi hỏi ngành Y tế, đội ngũ y bác sĩ phải luôn coi trọng “tài  - đức”. Bởi nếu thiếu một trong 2 chữ này thì dù thế nào cũng khó đạt đến sự hoàn thiện, đặc biệt đối với nghề y là nghề cao quý, là một nghề đặc biệt xuất phát từ ý nghĩa  chăm sóc, cứu người nên càng phải được coi trọng.

Xin mượn lời Y huấn cùa Danh y Hải Thượng Lãn Ông để kết bài này: “Thầy thuốc là một nghề cao quý, vì thế phải giữ khí tiết cho trong sạch…Đạo làm thuốc là một nhân thuật, có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của mình. Chỉ lấy việc cứu người làm phận sự của mình mà không cần lợi kể công”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy lại niềm tin cho người bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO