Lan man vài chuyện con trẻ

Lan Hương| 10/11/2014 14:16

Nhiều bậc cha mẹ còn quá dễ dãi để con trẻ tùy nghi sử dụng tiện ích của công nghệ thông tin. Các cháu bây giờ cứ rảnh là xem phim hoạt hình, chơi vi tính, điện thoại di động… thay vì đọc một cuốn sách hay, làm một việc có ích, hay xem truyền hình với những chương trình phù hợp, mang tính giáo dục.

ADQuảng cáo

1. Một người bố làm nghề kinh doanh có con học lớp ba hỏi ý kiến tôi rằng có nên sắm cho con anh 1 cái laptop xách tay để cháu tiện trong việc học tập hay không? Dĩ nhiên câu trả lời chân tình của tôi là không!

Tôi giải thích cho anh cái chưa cần thiết, cái không tốt của việc cho trẻ em tiếp cận quá sớm hay nói cách khác là lạm dụng máy tính trong học tập cũng như vui chơi. Tôi khuyên anh tốt nhất là nên sắm một máy tính cố định ở nhà để cho cháu tiếp cận có sự kiểm soát của bố mẹ, thay vì để cháu tự do sử dụng. Nghe tôi phân tích, anh gật gù hiểu chuyện và nhất trí là không nghĩ đến chuyện sắm cho con cái laptop nữa.

2. Trong lúc “trà dư tửu hậu” một anh bạn đang cao hứng hết chuyện thời sự thế giới, trong nước, bỗng nhiên xị mặt khi nói đến chuyện học hành của con cái. Anh than rằng bọn trẻ bây giờ sao chúng nó học văn quá tệ!

ADQuảng cáo

Chuyện là con anh học lớp 8 rồi mà không biết làm một bài văn cho ra hồn. Mỗi khi thầy cô giáo cho bài tập làm văn là chúng nó cứ lên Google “sợt” các bài văn chuẩn tương tự rồi “chép” nộp và đạt điểm cao(?). Tâm trạng của anh bạn cũng dễ hiểu, bởi bọn trẻ học văn dở cũng là thực trạng chung hiện nay, chứ không riêng gì con anh.

Nguyên nhân thì có nhiều, song cũng có thể nhận ra một số yếu tố ảnh hưởng đến việc học văn của con trẻ là: Giáo trình, cách dạy, cách học khá cứng nhắc, chưa tạo ra được cảm hứng và sự sáng tạo trong môn văn học. Nhà trường, thầy cô giáo thường lấy các bài văn mẫu làm chuẩn, nên khi học sinh tả thực, tả khác hoặc sáng tạo khác thì bị điểm thấp! Không ít trường hợp các bậc cha mẹ băn khoăn việc làm văn của con em “nặc mùi” sao chép, bảo các con tự làm thì kết quả nhận được là điểm trung bình. Thế là đành chịu để các con học theo kiểu của mình!

3. Ngày nghỉ cuối tuần chở vợ con đi uống cà phê. Gia Nghĩa dạo này ngày cuối tuần quán cà phê nào cũng đông. Lý do là chưa có nhiều điểm vui chơi giải trí cho ngày nghỉ cuối tuần. Và thế là dẫn đến chuyện: Con cái theo bố mẹ đi chơi, nhưng không có chỗ chơi. Và bố mẹ muốn yên thân uống cà phê, chuyện trò, tán gẫu… với bạn bè thì buộc phải đưa điện thoại di động cho các cháu chơi điện tử. Quan sát 10 đứa trẻ thì hết 9 đứa như vậy.

Chuyện là không phải ở quán cà phê, mà ngay cả ở nhà dường như nhiều bậc cha mẹ cũng còn quá dễ dãi để con trẻ tùy nghi sử dụng tiện ích của công nghệ thông tin. Các cháu bây giờ cứ rảnh là xem phim hoạt hình, chơi vi tính, điện thoại di động… thay vì đọc một cuốn sách hay, làm một việc có ích, hay xem truyền hình với những chương trình phù hợp, mang tính giáo dục. Các cháu nếu có đọc truyện thì cũng toàn là chuyện tranh nước ngoài, lời lẽ, ngôn ngữ cộc lốc (chưa nói nội dung như thế nào). Tâm hồn, cảm xúc về quê hương, tình yêu thương con người, thiên nhiên… không được nuôi dưỡng, bồi đắp có hệ thống từ giáo dục, gia đình, xã hội nên cũng dễ hiểu tại sao con em ta học văn dở, không thích học văn là vậy!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan man vài chuyện con trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO