Khi lòng tốt bị hiểu nhầm

Bảo Ngọc| 23/03/2016 14:00

Chuyện là cuối tuần vừa rồi, trên đường đi làm về, khi gần đến nhà thì đứa em tôi chứng kiến một người đàn ông trong tình trạng say rượu phóng xe máy với tốc độ cao.

ADQuảng cáo

Đến đoạn cua, không làm chủ được tốc độ nên anh ta đã lao thẳng lên vỉa hè, tông vào cột điện, đập mặt xuống đường, nằm bất động, máu me đầy mặt. Lúc này, trên đường xe cộ ngược xuôi, có lẽ ai cũng hối hả lo về nhà hoặc vì nhiều công việc khác, lí do khác nên không dừng xe lại. Thấy nạn nhân đang nguy kịch, em tôi dừng xe lại, lấy điện thoại của nạn nhân tìm số điện thoại thông báo cho người nhà nạn nhân biết và gọi xe cấp cứu. Khi xe cấp cứu tới, người nhà nạn nhân cũng có mặt.

Thay vì tập trung đưa người nhà đi cấp cứu và cảm ơn em tôi thì họ cho rằng chính em tôi là người gây ra tai nạn, vì thế mới gọi cho họ và gọi xe cấp cứu. Thế là, họ không cần biết phải trái, xông vào chửi bới, đánh tới tấp em tôi, rồi tra hỏi về đồ đạc, xe cộ của người thân họ. Cũng may, nhờ người dân sống gần đó chứng kiến tới can thiệp, không thì em tôi cũng bị một trận ra trò.

ADQuảng cáo

Cứu giúp một người gặp tai nạn là nghĩa cử cao đẹp, nhưng không phải lúc nào lòng tốt ấy cũng được đền đáp xứng đáng. Lòng nhân ái không phải trong tình huống nào cũng có được cái kết có hậu. Nghe em kể, tôi biết nó đã hành xử đúng, tuy nhiên tôi cũng chỉ biết động viên em nó là lần sau phải cẩn thận hơn, nên chủ động giải thích và nói trước với người nhà của nạn nhân để không phải “làm ơn mắc oán”.

Vấn đề cần nói ở đây là chính những rắc rối, nhất là khi cứu giúp nạn nhân bị tai nạn giao thông như chở đến bệnh viện, làm thủ tục nhập viện, đóng viện phí, khai báo công an… Chưa hết, nếu không may gặp sự hiểu lầm của người thân nạn nhân như trường hợp kể trên thì người giúp chẳng vui vẻ gì, chưa “mẻ đầu sứt trán” cũng là may!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi lòng tốt bị hiểu nhầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO