Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt!

Tường Mạnh| 08/12/2017 09:37

Trong thời gian gần đây, đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông đã gây không ít tranh cãi trong dư luận.

ADQuảng cáo

Với việc giản lược, sắp xếp lại bảng chữ cái và cách viết, cách đọc khá “kỳ quặc”, đề xuất tiếng Việt này đã vấp phải sự phản ứng nhiều chiều của dư luận, người khen, kẻ chê đủ cả, gây xôn xao trong giới học thuật.

Không những cộng đồng mạng xã hội mà nhiều tờ báo chính thống cũng đã lên tiếng, với nhiều bài viết phân tích của những nhà khoa học, nghiên cứu ngôn ngữ. Nhiều người cho rằng, chữ quốc ngữ bấy lâu đã là nét văn hóa truyền thống của dân tộc, nếu thực hiện theo đề xuất mới này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là làm “đứt gãy” văn hóa.

Nhiều ý kiến còn quan ngại nếu như bảng chữ cái mới được đưa vào sử dụng thì e rằng hàng chục triệu người Việt sẽ phải lao đầu vào... học lại từ đầu! Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, đề xuất của ông Bùi Hiền đáng được ghi nhận vì đó là nghiên cứu khoa học nghiêm túc.

Điều đáng buồn ở chỗ, một bộ phận cư dân mạng lại phản ứng một cách thái quá, dùng những lời lẽ mạt sát như "có vấn đề", "thần kinh", "điên khùng", "rửng mỡ" khi nhắc đến đề xuất này và ai cũng xem như mình là người đang ra sức “bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt”.

ADQuảng cáo

Nói như một tác giả trong một bài viết, một bộ phận cư dân mạng đang ra sức sử dụng tối đa những từ “xấu xí nhất” của tiếng Việt để bảo vệ cho sự trong sáng của nó. Bởi vì, ý tưởng của ông Bùi Hiền có thể kỳ cục và điên rồ ở một khía cạnh nào đó nhưng điều này cũng thật hết sức bình thường trong nghiên cứu học thuật. Mặt khác, chưa bàn đến cuộc cải tiến tiếng Việt sẽ đi đến đâu nhưng việc mạt sát, xúc phạm danh dự cá nhân bằng những lời lẽ thô tục cũng chỉ làm cho tiếng Việt càng thêm “vẩn đục” mà thôi.

Trong khi đó, trên thực tế lâu nay, việc tiếng Việt đang bị một bộ phận không nhỏ, nhất là giới trẻ (kể cả những anh hùng bàn phím nói trên) đang sử dụng một cách vô trách nhiệm, thậm chí bóp méo và xâm phạm đến đáng sợ. Trên các trang mạng xã hội hàng ngày, chắc hẳn bất cứ ai cũng phải giật mình bởi một loại ngôn ngữ mới mà dám chắc không có trong từ điển của bất cứ quốc gia nào. Chữ nghĩa được giản lược đến mức tối đa theo cách phát âm, viết tắt vô tội vạ. Đơn cử như: quá, quyển được viết thành “wá, wyển”; quen thành “wen”; quên thành “wên”; yêu thành “iu”; luôn thành “lun”; buồn thành “bùn”; biết không? thành “bitk?”; biết rồi thành “bít rùi”; biết chết liền thành “bít chít lìn”; mấy thành “mí”…

Thực tế đó cho thấy, việc bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm chung và là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt, bằng việc sử dụng cho thật đúng, thật chuẩn mực trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi cá nhân nói và viết cần có ý thức tôn trọng, yêu quý và có thói quen cẩn trọng, cân nhắc, lựa lời khi sử dụng tiếng Việt để giao tiếp sao cho phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất. Muốn được như vậy, bản thân mỗi người, ngoài việc rèn luyện năng lực nói và viết theo đúng chuẩn mực thì còn phải biết loại bỏ những lời nói thô tục, kệch cỡm pha tạp, lai căng không đúng lúc.

Tiếng Việt là tài sản vô cùng quý giá của dân tộc, không chỉ là phương tiện quan trọng trong các hoạt động giao tiếp mà còn được ví là “cái hồn” của nền văn hóa dân tộc. Trong xu thế hội nhập hiện nay đã và đang xuất hiện những biến tướng, lai căng, nên cần phải được xem xét, chấn chỉnh, định hướng kịp thời để bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO