Giữ gìn đạo đức nghề nghiệp trong sáng

Tường Mạnh| 22/06/2018 08:14

Nghị quyết số 16 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) đã nhấn mạnh đến nhiều nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới.

ADQuảng cáo

Trong đó, một nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 16 đặt ra đó là: Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo.

Bám sát vào Nghị quyết số 16 cũng như Chương trình hành động số 19 của Tỉnh ủy, trong những năm qua, Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan báo chí Đắk Nông thường xuyên chú trọng tổ chức công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, ổn định tư tưởng, đề cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, hội viên, nhà báo.

Thường trực Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan báo chí tổ chức, vận động cán bộ, hội viên tham gia học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Thông qua đó, đội ngũ hội viên, những người làm báo không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức, yên tâm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

ADQuảng cáo

Có thể nói, việc nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, nhất là đạo đức nghề nghiệp luôn là vấn đề mang tính thời sự, đòi hỏi cần phải kịp thời, thường xuyên đối với mỗi phóng viên, nhà báo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh sự nỗ lực, tự rèn luyện tư cách đạo đức của mỗi cá nhân, tổ chức hội nhà báo, các cơ quan báo chí cũng phải luôn đồng hành cùng hội viên, nhà báo trong việc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp.

Qua đó, khi có hội viên, nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, việc điều tra, kết luận, lên án, xử lý dưới nhiều hình thức, đồng thời giáo dục và nâng cao đạo đức nghề nghiệp sẽ phát huy hiệu quả cao hơn. Công tác giáo dục, định hướng, quản lý nghiệp vụ của cơ quan báo chí và tổ chức hội nhà báo cần hướng vào việc giúp các hội viên, nhà báo gương mẫu chấp hành pháp luật, nêu cao trách nhiệm xã hội, làm tròn nghĩa vụ công dân.

Điều quan trọng nhất đó là, mỗi người làm báo phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, trình độ nghiệp vụ, phông văn hóa, tạo cơ sở để nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp của mình. Mỗi nhà báo chân chính, chuyên nghiệp khi sáng tạo tác phẩm báo chí, bên cạnh những yêu cầu về năng lực chuyên môn phải luôn gắn với những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Thực tế cho thấy, một khi nhà báo có uy tín, đạo đức nghề nghiệp sẽ luôn được công chúng tin cậy. Đó chính là điều kiện thuận lợi để nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, giữ được “lòng trong, bút sắc”.

Trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí và những người làm báo cần có sự nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa. Đội ngũ những người làm báo phải luôn không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, cám dỗ, bám sát thực tiễn. Có như vậy, những người làm báo mới có nhiều tác phẩm hay, thuyết phục, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và lòng tin của nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn đạo đức nghề nghiệp trong sáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO