Facebook và điểm dừng

Lan Hương| 17/11/2014 10:49

Thời Facebook (Face) nở rộ, gặp bạn bè, đồng nghiệp ai cũng nói chuyện Face. Hỏi tôi tài khoản Face, tôi lắc đầu không có. Họ bảo tôi lạc hậu ! Về nhà nghĩ bạn bè nói cũng phải. Xu hướng của thời đại mà mình không biết, không tham gia thì thụt lùi, lạc hậu chứ sao !

ADQuảng cáo

Tôi lập một tài khoản Face, thời gian đầu sử dụng thấy thú vị, hay hay, vì khoảng cách giữa không gian, con người dường như được xích gần lại. Đặc biệt, qua Face ta dễ dàng chia sẻ tình cảm với người thân, bạn bè thân hữu ở xa không có điều kiện gặp hoặc qua Face ta cũng có thể tìm lại bạn bè, thầy cô ngày xưa đã mất địa chỉ liên lạc khá lâu…

Nhưng sau một thời gian sử dụng, tôi bắt đầu nhận ra khá nhiều mặt trái Facebook, trong đó nổi lên là cách hiểu, cách dùng Facebook của nhiều bạn trẻ đã đi quá giới hạn về ý nghĩa cũng như chức năng vốn có của nó.  

1. Điều trước hết có thể thấy là các bạn trẻ bây giờ quá nghiện Face. Một ngày dành nhiều thời giờ cho “cuộc sống ảo”. Nhiều người buổi sáng thức dậy, công việc đầu tiên là vào Face và buổi tối trước khi ngủ cũng là Face. Công chức, viên chức nhà nước, một ngày cũng dành 2 – 3 giờ lướt web rồi đến Face. Chưa nói về nội dung trên Face, chỉ nói về thời gian tiêu tốn cho nó quá nhiều cũng hiểu nó ảnh hưởng thế nào đến việc học tập, sinh hoạt gia đình, hiệu quả, chất lượng công việc cũng như chất lượng cuộc sống, vì dành quá nhiều thời gian của cuộc sống cho thế giới ảo !

2. Các bạn trẻ nói gì trên Face ? Câu trả lời là “thượng vàng hạ cám”, không thiếu thứ gì. Nào là khoe của, khoe nhà, con cái, người yêu, đến những chuyện tủn mủn trong gia đình cũng được lên Face. Rồi những lời ca thán, than vãn, hết tiền, chán đời, “bê bối”, rầu rĩ…và nhàn rỗi đến mức chuyện gì cũng có thể cho lên Facebook. Những mâu thuẫn, tâm trạng, hiềm khích trong cuộc sống  hàng ngày, trong công sở cũng được đưa lên Face để nói xấu, chửi bới, văng tục, gào thét…

ADQuảng cáo

Tôi có một anh bạn, khi ông nội qua đời, anh ta đã lên Face viết ‘status’ và công bố với toàn thể mọi người về thông tin này và thông báo về chuyện, anh ta chuẩn bị bắt chuyến bay đi Đà Nẵng để tiễn biệt ông. Điều đó sẽ không có gì đáng trách nếu như anh ta biết dừng lại ở đó, để mọi người biết tin và chia buồn thôi. Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra lễ tang của ông, anh ta còn chụp cả ảnh bàn thờ, cả quang cảnh người nhà mình chuẩn bị tang lễ cho ông thế nào, cũng không quên dành thêm những lời xót xa. Rồi anh ta còn “công bố” cho mọi người biết rằng, đám tang đã hoàn tất. Nói chung, bất cứ lúc nào diễn ra những sự việc quan trọng của đám tang, anh ta đều có hình và post lên Face. Cá nhân tôi thấy việc làm ấy thật là phản cảm. Trong cái giờ phút đau buồn, thiêng liêng, đầy đau xót ấy mà thân làm cháu ruột lại có thể rảnh rỗi post hình rồi bình luận cho mọi người trên Face !

Đó là một chuyện, còn chưa kể tới những người khác, bao gồm bạn bè, người thân hoặc là những người có quen biết anh ta, cũng lên Face ấn “like”. Cái chuyện “like” trên Face, thực ra đó là “thích”, giống như trong tiếng Anh dịch ra tiếng Việt mà thôi. Nhưng thử hỏi, cái từ “thích” ấy có phù hợp để dùng trong trường hợp này hay không ?

3. Mạng xã hội ngày càng phát triển rộng khắp, trở thành một kênh truyền thông hiệu quả, nhưng có nhiều kẻ lợi dụng nó để tung tin đồn câu like làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, tâm lý cũng như cuộc sống người dân. Thời gian qua, tin đồn về đỉa xuất hiện trong các sản phẩm thực phẩm như sữa, bim bim, đỉa trong bánh kẹo, dưa vàng nhập lậu từ Trung Quốc…liên tục xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Nếu gõ từ khóa "sữa có đỉa", trang Google sẽ cho ra hơn chục triệu kết quả. Những tin đồn này đã làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp.

4.Các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan, Mỹ phát hiện ra rằng những người sử dụng Facebook ít cảm thấy hạnh phúc hơn và họ thường xuyên ủ rũ, buồn rầu hơn vào thời điểm họ đang sử dụng các mạng xã hội. Trưởng nhóm nghiên cứu, Ethan Kross, giảng viên tâm lý học tại Đại học Michigan cho biết: “Thực tế có thể thấy Facebook cung cấp một nguồn thông tin vô giá đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người như kết nối xã hội, nhưng thay vì mang đến sự hài lòng, thỏa mãn, cảm giác hạnh phúc, chúng tôi thấy rằng Facebook đem lại kết quả ngược lại”.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy, khi chúng ta trực tiếp gặp gỡ tiếp xúc với bạn bè, người thân, bạn sẽ nhận được sự chia sẻ, yêu thương, cảm giác hạnh phúc và bình an thực sự. Nhưng khi giao tiếp qua điện thoại hay gặp gỡ nhau trong thế giới ảo sẽ mang lại cho bạn những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống thực.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Facebook và điểm dừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO