Đuối nước ở trẻ em và trách nhiệm xã hội

Tường Mạnh| 13/06/2017 09:45

Ngày 6/6 mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Công văn số 2886 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em. Trước đó, vào ngày 14/4, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 1855 chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em.

ADQuảng cáo

Liên tiếp nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành, nhưng xem ra tình trạng đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn ra hết sức thương tâm. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ tai nạn đuối nước, làm 15 trẻ em tử vong.

Có lẽ các vụ đuối nước ở trẻ em chắc sẽ không dừng lại ở đây, khi mà các em học sinh ở các vùng quê chỉ mới bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè. Thực tế đang đặt ra cho các gia đình, nhà trường, xã hội cần phải làm gì để bảo đảm an toàn cho trẻ em, góp phần phòng, chống đuối nước.

Lâu nay, khi xác định nguyên nhân các vụ đuối nước ở trẻ em thì chính quyền, cơ quan chức năng thường cho rằng, chủ yếu do thiếu sự quan tâm, giám sát của người lớn. Ở một góc độ nào đó thì đúng là như vậy, trong các gia đình, khi mà bố mẹ lo làm ăn, không quan tâm đến các sinh hoạt, vui chơi hàng ngày của con cái thì chuyện trẻ em lang thang ra các ao hồ, sông, suối để vui đùa, ngụp lặn, rồi dẫn đến đuối nước là điều không thể tránh khỏi.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là chuyện thiếu sân chơi, cũng như các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc cắm biển cảnh báo, tạo sân chơi cần thiết, lành mạnh chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước ở trẻ em xảy ra thường xuyên.

Trong Công văn số 1885, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng phong trào dạy bơi, nhất là công tác phổ cập bơi cho học sinh tiểu học; đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy bơi, dạy kỹ năng sống và kỹ năng an toàn dưới nước. Các bậc phụ huynh phải xác định trách nhiệm của mình trong việc tạo điều kiện cho con em tham gia học bơi cũng như quản lý chặt chẽ, kiên quyết không để con em tự học bơi, tự tắm ao hồ, sông suối...

Trong Công văn số 2886, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp theo dõi, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện công tác phòng, chống đuối nước của các đơn vị, địa phương để báo cáo, đề xuất các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh...

Văn bản chỉ đạo nhiều, với các nội dung cụ thể, rõ ràng, nhưng để thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả là một vấn đề không phải dễ. Được học hành, vui chơi, sinh hoạt là nhu cầu thiết yếu, hết sức chính đáng của mỗi học sinh, trẻ em hiện nay. Thế nhưng, trong bối cảnh tỉnh còn nhiều khó khăn thì bên cạnh sự quan tâm, theo dõi của gia đình, bố mẹ, điều quan trọng nhất là các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương cũng cần phải có trách nhiệm đối với đời sống, sinh hoạt của trẻ em. Trách nhiệm này thật sự hết sức nặng nề, không thể hô hào chung chung mà phải biến thành hành động, hoạt động cụ thể, thiết thực trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đuối nước ở trẻ em và trách nhiệm xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO