Đừng thả nổi việc sản xuất, kinh doanh rượu

Tường Mạnh| 03/11/2017 15:08

Có thể nhiều người sẽ “giật mình” khi trong báo cáo số 526 mới đây của UBND tỉnh Đắk Nông đã đưa ra con số 374 hộ trên địa bàn tỉnh nấu rượu thủ công (chủ yếu là rượu gạo) và 530 cơ sở bán lẻ sản phẩm rượu đang hoạt động. Tuy nhiên, con số trên có thể không dừng lại ở đó, vì đây chỉ là “số liệu thống kê chưa đầy đủ”.

ADQuảng cáo

Cũng theo báo cáo, mỗi cơ sở kinh doanh rượu nhỏ lẻ mỗi tháng tiêu thụ khoảng 20-30 lít rượu do các cơ sở sản xuất rượu thủ công cung cấp. Như vậy, 530 cơ sở bán lẻ sản phẩm rượu nói trên, mỗi tháng tổng cộng cũng tiêu thụ từ 10.600-15.900 lít rượu thủ công và tất nhiên, cũng chừng ấy lượng rượu chảy vào bao tử của bao người. Đó là chưa kể đến việc do chạy theo lợi nhuận, không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu còn sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp để pha chế, chế biến rượu, rồi tung ra thị trường theo kiểu “sống chết mặc bay”.

Điều đáng “giật mình” nữa là, theo báo cáo số 526 mới đây của UBND tỉnh, từ năm 2013 đến nay, Sở Công Thương chỉ tiếp nhận và cấp 4 giấy phép kinh doanh buôn bán sản phẩm rượu cho 4 đơn vị trên địa bàn; còn các huyện, thị xã cũng tiếp nhận và cấp 203 giấy phép kinh doanh buôn bán lẻ sản phẩm rượu. Như vậy, việc quản lý hoạt động sản xuất rượu thủ công chưa được quan tâm đúng mức, nói cách khác là chính quyền, ngành chức năng đành “bó tay chấm com”.

Một nguyên nhân được đưa ra là do hiện nay, các cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ, hoạt động không thường xuyên, sản lượng thấp, phạm vi thị trường tiêu thụ hẹp, nên hầu hết không thực hiện đăng ký để được cấp phép theo quy định. Mặt khác, ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các hộ tự nấu rượu để dùng hoặc kết hợp nấu rượu để bán và lấy bã rượu phục vụ chăn nuôi. Vì vậy, việc quản lý, cấp phép, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất rượu gặp rất nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo

Có thể nói, việc sản xuất, sử dụng, nói cách khác là tình trạng lạm dụng rượu ở Việt Nam lâu nay đã “có tiếng” trên thế giới. Việc sản xuất rượu tràn lan, với những thành phần độc tố, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng hầu như đã vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Bất cứ ở đâu, từ thành thị đến thôn quê, chuyện sản xuất rượu đã trở thành chuyện thường ngày... ở huyện. Nhà nhà “vô tư” nấu rượu, người người “vô tư” uống rượu, chẳng chính quyền, cơ quan chức năng nào kiểm soát nổi, nên mới xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc rượu, gây chết người hết sức bi thương ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Việc sản xuất, sử dụng rượu cũng như việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu còn đang trong tình trạng thả nổi, một phần cũng xuất phát từ những chế tài trong lĩnh vực này còn không ít chồng chéo, bất cập. Mặt khác, công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về kiểm soát nhu cầu sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn của cơ quan chức năng chưa được tăng cường, triển khai sâu rộng trong cộng đồng.

Tuy nhiên, dù cho còn nhiều khó khăn, bất cập đi chăng nữa, điều mà người dân, cộng đồng xã hội luôn mong muốn, đó là chính quyền, ngành chức năng đừng tự “bó tay”, thả nổi mà cần phải có sự vào cuộc quyết liệt để góp phần giảm thiểu tình trạng sản xuất, sử dụng rượu tràn lan hiện nay. “Kiểm soát sản xuất rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”, không những là thông điệp truyền thông mà luôn là sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân đối với các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi công vụ nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng thả nổi việc sản xuất, kinh doanh rượu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO