Đừng tắc trách với dân !

Nguyễn Hải| 16/08/2017 15:49

Những ngày này có lẽ người dân ở xã Đắk P’lao phấn khởi vì UBND huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đang hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định để tiến hành giải ngân gần 250 tỷ đồng tiền đền bù và hỗ trợ mua đất sản xuất cho người dân.

ADQuảng cáo

Không vui sao được vì đã gần 7 năm trôi qua khi Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 phát điện hòa vào mạng lưới quốc gia, chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Thủy điện 6 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) ngoài nợ tiền đền bù thì cả trăm ha diện tích đất, vật kiến trúc, hoa màu ngập dưới lòng hồ của người dân giờ mới được kiểm kê, đền bù.

Đìu hiu khu tái định cư Đắk P'lao, xã Đắk P'lao (Đắk Glong). Ảnh: B.M

Vấn đề ở đây là sự tắc trách của chủ đầu tư lẫn chính quyền địa phương, mà nổi lên đó là “bệnh thành tích” trong quá trình triển khai đã khiến cho hơn 540 hộ gia đình, trong đó chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi dự án phải khốn khổ muôn bề suốt nhiều năm qua.

Cũng vì “bệnh thành tích” mà chủ đầu tư vội vàng cho ngăn dòng, tích nước khiến 100 ha đất sản xuất bị nhấn chìm dưới lòng hồ thủy điện mà chưa được kiểm kê, đền bù và 300 ha đất sản xuất chưa được chủ đầu tư trả cho dân, ấy là chưa kể tới hoa màu trên diện tích đất bị ngập. Tính theo giá đất của tỉnh thì chủ đầu tư phải đền bù cho người dân khoảng trên 100 tỷ đồng nữa mới giải quyết xong được…

ADQuảng cáo

Vì nhiều diện tích đất sản xuất, hoa màu ngập sâu dưới lòng hồ thủy điện nên hiện nay, chủ đầu tư và chính quyền địa phương cũng chỉ còn cách ước chừng theo bản đồ cũ để thỏa thuận đền bù lại cho người dân. Dù biết bị thiệt thòi nhưng không còn cách khác vì hiện trạng giờ không còn nữa nên người dân cũng đành chịu.

Cũng vì “thành tích” mà vấn đề giải quyết đất sản xuất cho người dân vẫn chỉ là những lời hứa hoặc có bốc thăm đất cũng chỉ nằm trên giấy. Vì thế đã sau gần 7 năm về nơi ở mới, hơn 540 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở khu tái định cư xã Đắk P’lao vẫn không có đất sản xuất khiến tình trạng đói nghèo gia tăng. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới 112 hộ dân bỏ hoang hóa nhà cửa đi làm thuê ở địa phương khác hoặc quay về nơi ở cũ.

Trong tổng số các hộ dân thuộc khu tái định cư đủ điều kiện cấp đất sản xuất thì đến nay, xã chỉ có 95 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích khoảng 83,75 ha, số còn lại chưa hề được cấp đất. Tuy nhiên, nhiều hộ trước đây đã bốc thăm nhận đất nay phải trả lại do đất dốc đồi trọc, khô cằn, không có nước tưới.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc di dân tái định cư các công trình thủy điện đến nơi ở mới phải bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Thế nhưng, vì “bệnh thành tích” mà chủ đầu tư lẫn chính quyền địa phương “vô cảm” với cuộc sống của hàng trăm hộ gia đình đã phải hi sinh, rời bon làng vì dòng điện. Đây là bài học lớn cho các cấp chính quyền trong việc cấp phép cho các dự án thủy điện hoặc các dự án khác triển khai trong tương lai, không thể xem nhẹ vấn đề an cư lạc nghiệp cho người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng tắc trách với dân !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO