Đừng lợi dụng xã hội hóa giáo dục

Bình Minh| 20/09/2017 08:47

Cũng như nhiều bậc cha mẹ khác, chị Vương Thị Anh ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) lại đau đầu với các khoản đóng góp đầu năm học cho 2 đứa con.

ADQuảng cáo

Ngoài sách, vở, cặp, quần áo, đồ dùng học tập, chị tính sơ sơ các khoản đóng góp đầu năm học cũng chừng 10 triệu đồng. Vợ chồng chị là lao động tự do, gia đình thuộc diện cận nghèo nên việc  tích góp để có số tiền lớn đó là vô cùng khó khăn. Nhà trường yêu cầu đóng nhiều khoản và có khoản thu cảm thấy vô lý nhưng sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của con mình nên chị ngại không dám lên tiếng và đành “tặc lưỡi” để đóng cho qua chuyện.

Hầu như năm nào, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng thành lập đoàn đi khảo sát việc thu, chi ở các trường học và đã góp phần đáng kể vào chấn chỉnh tình trạng lạm dụng thu. Nhiều trường sau khi bị phát hiện sai phạm ở nhiều khoản thu cũng đã có cam kết chấn chỉnh, khắc phục.

Được biết, rút kinh nghiệm từ các năm học trước, năm nay, Sở Giáo dục - Đào tạo vừa ban hành Công văn số 1248/SGDĐT-KHTC gửi các cơ sở giáo dục về việc triển khai các nội dung thu đầu năm học 2017-2018. Theo đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh không được thu tất cả các khoản thu đầu năm học 2017-2018 trong quá trình thực hiện tuyển sinh, ngoại trừ tiền ăn bán trú của học sinh mầm non và tiểu học. Khi vào năm học chính thức, các cơ sở giáo dục phải thông qua cuộc họp thống nhất các nội dung thu, chi với cha mẹ học sinh thì mới được triển khai thực hiện thu.

Chỉ đạo là vậy, nhưng theo nhiều cha mẹ học sinh thì cần phải kiểm tra thực tế mới đánh giá đúng mức, khách quan việc thực hiện theo công văn của Sở Giáo dục - Đào tạo.

ADQuảng cáo

Nhiều người cũng tỏ ra rất bức xúc về tình trạng lạm thu nhưng lại sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của con em mình nên thường “tặc lưỡi” đóng góp như trường hợp của chị Vương Thị Anh. Chính “phong trào” này và tâm lý biết rồi nhưng ngại không nói mà nhiều trường học đã tiến hành thu các khoản dưới “danh nghĩa” xã hội hóa giáo dục.

Đối với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thì chuyện không có gì quá lớn nhưng đối với các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn thì những khoản đóng góp đầu năm là cả một vấn đề lớn. Nhiều gia đình buộc phải chạy vạy vay mượn để có tiều đóng góp cho con em mình. Vì thế, gia đình đã nghèo lại càng thêm khó khăn.

Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương đúng đắn nhằm huy động sự đóng góp hợp lý từ xã hội để phục vụ cho hoạt động dạy và học. Chủ trương này phải được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo và của địa phương. Xã hội và các bậc cha mẹ học sinh mong mỏi các khoản thu phải công khai, minh bạch, và dĩ nhiên là phải hợp lý. Đừng để các cháu nhỏ, gia đình nghèo phải thêm gánh nặng. Những khoản tiền điện, nước, giấy vệ sinh, xà phòng, sổ liên lạc… nếu phải thu thì phải thu đủ, chứ không thể là như một hình thức kinh doanh trong nhà trường.

Để khắc phục được tình trạng lạm thu, ngoài sự lên tiếng mạnh mẽ từ phía cha mẹ học sinh thì cần có chế tài đủ mạnh nhằm xử lý sai phạm. Các địa phương cần có quy định giám sát tình trạng này, trường hợp trường cố tình lạm thu thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm theo quy định.

Được biết, ngay trước năm học mới, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có công văn đề nghị các địa phương cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017-2018. Trong đó, các tỉnh, thành cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục cam kết và nghiêm túc không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học. Các địa phương tự chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý vi phạm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng lợi dụng xã hội hóa giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO