Doanh nghiệp để mất rừng và đền lại rừng

Nguyễn Hải| 13/09/2017 16:08

Dù đã hơn 10 tháng qua kể từ khi UBND tỉnh Đắk Nông ban hành các quyết định yêu cầu 5 doanh nghiệp tư nhân để mất rừng nghiêm trọng phải bồi thường thiệt hại cho nhà nước nhưng đến nay hầu hết những đơn vị này vẫn cố tình không thực hiện. Liệu việc chưa có chế tài đủ mạnh hay còn vướng mắc những thủ tục khác theo quy định mà vấn đề bắt doanh nghiệp đền lại giá trị rừng gặp nhiều khó khăn?

ADQuảng cáo

Việc bắt doanh nghiệp đền lại rừng được thực hiện từ năm 2016 khi UBND tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp-PTNT xác định được giá trị của từng loại rừng trên địa bàn.

Theo quyết định của UBND tỉnh thì 5 doanh nghiệp tư nhân để mất 255 ha rừng phải đền bù thiệt hại cho nhà nước với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty TNHH Giống cây trồng Công Long đã để thiệt hại 12,6 ha phải đền bù số tiền trên 334 triệu đồng; Công ty TNHH GreenFarm Đắk Nông làm thiệt hại 15,1 ha rừng phải đền bù trên 2 tỷ đồng; Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc làm thiệt hại 137,1 ha phải đền bù trên 9,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Khải Vy làm thiệt hại 85,9 ha rừng và phải đền bù trên 876 triệu đồng và Công ty TNHH Hoàng Ba làm thiệt hại 4,4 ha phải đền bù trên 277 triệu đồng. Thế nhưng đến nay, các doanh nghiệp này mới chỉ có Công ty TNHH Giống cây trồng Công Long đã nộp về ngân sách nhà nước hơn 334 triệu đồng tiền đền bù theo quyết định, các doanh nghiệp khác còn lại vẫn cố tình không thực hiện.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do số tiền phải nộp quá lớn và về phía tỉnh cũng lại chưa có chế tài đủ mạnh để buộc các đơn vị để mất rừng đền bù thiệt hại. Ngoài ra, việc liên quan đến vấn đề hình sự cũng khiến cho việc bắt doanh nghiệp đền bù lại giá trị rừng bị thiệt hại cũng gặp không ít khó khăn. Trong 4 doanh nghiệp phải đền bù lại giá trị rừng thì Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc phải đền bù nhiều nhất với trên 9,5 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, việc triển khai các thủ tục theo quy định đối với doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do đơn vị này đang trong quá trình điều tra của cơ quan công an vì có liên quan đến vấn đề hình sự.

ADQuảng cáo

Trước tình trạng các doanh nghiệp chây ỳ chưa thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp-PTNT đã có văn bản đôn đốc các doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện trách nhiệm của mình theo quy định. Thế nhưng, về phía Công ty TNHH Hoàng Ba, đơn vị này lại có tờ trình xin xem xét lại lý do yêu cầu đơn vị bồi thường thiệt hại về rừng. Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Khải Vy cũng có văn bản đề nghị điều chỉnh một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh.

Riêng hai đơn vị là Công ty TNHH GreenFarm Đắk Nông và Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc không có ý kiến phản hồi. Trên cơ sở này, Sở Nông nghiệp-PTNT đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt giá trị đền bù và thông báo nộp tiền, đồng thời giao Sở Tài chính rà soát việc hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chủ dự án trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính; UBND tỉnh cũng xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý trách nhiệm các đơn vị không thực hiện nộp tiền bồi thường giá trị thiệt hại về rừng theo chỉ đạo.

Rõ ràng, ngoài những nguyên nhân như đã đề cập thì phải nói rằng, việc phối hợp giữa Sở Nông nghiệp-PTNT và các ngành khác trong thực hiện nhiệm vụ này theo chỉ đạo này của UBND tỉnh thời gian qua là vẫn chưa tích cực và thiếu quyết liệt. Trong đó, hướng xử lý được coi là phù hợp nhất hiện nay là phối hợp với các cơ quan tư pháp khác triển khai các biện pháp theo quy định và cần thiết có thể khởi kiện ra tòa… nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Vì thế, việc bắt các doanh nghiệp nhanh chóng đền bù thiệt hại đối với nhà nước chỉ được thực hiện hiệu quả khi các ngành, cơ quan chuyên môn cùng “xắn áo” vào cuộc để tham mưu UBND tỉnh triển khai quyết liệt nhiệm vụ này, tránh tình trạng nếu xử lý không rốt ráo thì sẽ để lại những tiền lệ không tốt đối với việc xử lý tương tự với các đơn vị khác trong thời gian tới.   

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp để mất rừng và đền lại rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO