Địa phương được "mạnh tay" xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm

Tường Mạnh| 02/11/2016 10:27

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Quyết định số 33 ban hành Quy định phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo quy định, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bao gồm cả buôn bán hàng rong, cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định.

ADQuảng cáo

Như vậy, từ nay trở đi, UBND cấp huyện là cấp có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn mình. Trong đó, UBND cấp huyện được trao quyền và thực thi hàng loạt nhiệm vụ như tổ chức quản lý ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP trên địa bàn; tổ chức thực hiện ký cam kết hoặc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP…

ADQuảng cáo

Có thể nói, vấn đề bảo đảm ATTP tuy không mới, nhưng luôn là nỗi lo thường trực của người sử dụng. Vì vậy, để thay đổi hành vi của cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đòi hỏi các cấp quản lý nhà nước cần phải luôn có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Rõ ràng, với quy định phân cấp quản lý này, chính quyền địa phương có quyền quyết định, được “mạnh tay” hơn trong việc quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Không những chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai các giải pháp bảo đảm ATTP trên địa bàn mà các địa phương còn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về vấn đề ATTP. Đặc biệt, các địa phương có điều kiện tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và có những chế tài xử phạt đủ mạnh, nghiêm khắc để tạo sức răn đe cần thiết.

Trong thực tế, việc bảo đảm ATTP là một quá trình xuyên suốt từ khâu nuôi, trồng đến khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và cung ứng đến người tiêu dùng... Bất kỳ một giai đoạn nào trong chuỗi sản xuất thực phẩm không bảo đảm ATTP đều dẫn đến tình trạng thực phẩm không an toàn. Do đó, bên cạnh việc siết chặt quản lý của cơ quan nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm buộc phải tuân thủ các điều kiện về bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật. Các cơ sở còn phải cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin liên quan đến sản phẩm có dấu hiệu không bảo đảm ATTP cho UBND cấp huyện và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Địa phương được "mạnh tay" xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO