“Đánh động” lòng tự trọng

Bình Minh| 31/10/2019 09:09

Câu chuyện bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi ở thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa và mới đây chị Phan Thị Ngọc Quyên (43 tuổi) ở thôn 7, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông gửi đơn lên chính quyền xã xin thoát nghèo đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với người dân cả nước.

ADQuảng cáo

Dù cá nhân bà Mơ và gia đình chị Quyên còn gặp nhiều khó khăn về vật chất nhưng với lòng tự trọng cao, họ đã “dũng cảm” xin ra khỏi diện hộ nghèo để nhường những quyền lợi này cho các hộ gia đình khác. Đây là những việc làm rất cao thượng, mình vì mọi người, thể hiện ý chí tự lực cánh sinh vươn lên trong cuộc sống, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Cụ bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi, trú tại thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, Thường Xuân, Thanh Hóa) - người viết đơn xin thoát nghèo. Nguồn: VTV 24

Có thể thấy, việc xin ra khỏi hộ nghèo cũng đồng nghĩa với các khoản trợ cấp xã hội đối với cá nhân bà Mơ và gia đình chị Quyên đều bị cắt, con cái học hành không được hưởng nhiều ưu đãi, trợ cấp như trước đây. Chắc chắn rằng trước khi thực hiện quyết định mang tính “dũng cảm” này, họ phải đấu tranh tư tưởng giữa vấn đề lợi ích - lòng tự trọng của cá nhân và gia đình.  Nhưng có lẽ, vấn đề quan trọng là sau khi ra khỏi hộ nghèo, họ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng và không phải hối tiếc với quyết định của mình.  

ADQuảng cáo

Việc làm đơn tự nguyện thoát nghèo của bà Mơ và gia đình chị Quyên đã "đánh động" đến lòng tự trọng của nhiều người, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bởi qua thực tế, rà soát, đánh giá của ngành Lao động, Thương binh, Xã hội tỉnh cho thấy, tình trạng "thích nghèo" để được hưởng các quyền lợi của người nghèo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã xảy ra ở nhiều nơi. Hệ lụy của vấn đề này dẫn đến nhiều hộ gia đình thiếu khát khao, thiếu động lực trong lao động sản xuất để tự mình thoát nghèo.

Có những hộ “thích nghèo” nhưng lười biếng trong sản xuất, mặc dù gia đình không thiếu về tư liệu sản xuất và nguồn lao động. Thậm chí có gia đình còn sa vào ăn chơi, nhậu nhẹt và dễ mắc vào các tệ nạn xã hội. Theo quy định, một hộ nghèo mỗi năm sẽ được ưu đãi nhiều chính sách. Ngoài một số chính sách khác như hỗ trợ làm nhà ở, đất ở, đất sản xuất..., những hộ nghèo còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế chữa bệnh miễn phí; con cái đi học không phải đóng học phí; vay vốn ưu đãi lãi suất thấp; hỗ trợ tiền điện, được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi...

Những trường hợp xin thoát nghèo như bà Mơ, chị Quyên thực sự là những tấm gương đẹp, thể hiện sự "dũng cảm", lòng tự trọng khi không chấp nhận mãi cái nghèo. Điều này chứng tỏ nhận thức đã có sự thay đổi lớn, hòa nhập theo phát triển về kinh tế, xã hội của địa phương. Hy vọng rằng, những lá đơn đẹp, lòng tự trọng cao như thế này sẽ ngày một nhiều hơn, nhân lên nhiều hơn, lan rộng ra nhiều hơn đối với xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để góp phần vào đấu tranh loại bỏ tư tưởng trông chờ, dựa dẫm vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đưa công tác xóa nghèo đạt nhiều kết quả và bền vững hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đánh động” lòng tự trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO