Công khai số điện thoại, hộp thư điện tử để gần dân

Nguyễn Hải| 13/01/2016 09:27

Thời gian qua, dư luận khá đồng tình và hoan nghênh nhiều vị lãnh đạo các bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công khai số điện thoại di động và hộp thư điện tử cá nhân để lắng nghe ý kiến phản ánh, đóng góp của người dân. Và trên thực tế, họ đã tiếp thu, làm được nhiều việc tốt cho dân, góp phần làm tăng niềm tin của người dân vào bộ máy quản lý Nhà nước.

ADQuảng cáo

Mới đây, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã công khai số điện thoại di động cá nhân và email. Trước đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng làm việc này. Việc công khai số điện thoại và hộp thư điện tử cá nhân với mục đích tiếp nhận những thông tin phản ánh từ người dân về tất cả các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, trật tự đô thị, môi trường, giao thông..., đồng thời lắng nghe các đề xuất, các ý tưởng, kiến nghị phục vụ cho sự phát triển của địa phương.

Có thể nói, việc công khai số điện thoại và hộp thư điện tử cá nhân không phải là mới, vì trước đây cũng đã có nhiều vị lãnh đạo làm. Còn nhớ, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng công khai số điện thoại và địa chỉ email của mình để lắng nghe ý kiến đóng góp, phản hồi từ nhân dân và đã làm được rất nhiều việc tốt cho người dân. Vì thế, ông được người dân Đà Nẵng kính trọng và thương yêu.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng cũng sẵn sàng công khai số điện thoại cá nhân của ông là 091 321 0367. Trao đổi qua báo chí, ông cũng cho biết: “Các bạn có thể gọi trực tiếp, nếu không gọi được khi tôi bận họp, có thể nhắn tin. Tôi sẽ trả lời. Sở dĩ điện thoại di động của tôi luôn mở công khai là để người dân có kênh phản ảnh. Tôi không thể trả lời hết 100% tin nhắn, nhưng ít nhất tôi cũng biết được người dân đang phản ánh cái gì và người dân cũng tin rằng ý kiến đã được chuyển đến Bộ trưởng tiếp nhận...”. Và qua thông tin phản ánh của người dân, ông cũng đã làm được nhiều việc cho người dân ở nhiều vùng đất nước.

ADQuảng cáo

Còn nhớ vào tháng 2/2014, sau khi có thông tin cô giáo Tòng Thị Minh, người quay video clip các thầy cô, học sinh tại bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) phải chui vào túi nylon để vượt suối đến trường, dù đang tháp tùng Chủ tịch nước thăm Nhật Bản, ông vẫn chủ động nhắn tin cho cô giáo quay clip và hứa sẽ có ý kiến với tỉnh Điện Biên để sớm xây dựng một cây cầu treo.

Sau đó, ông đã gọi điện về cho Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Điện Biên Nguyễn Đình Giang chỉ đạo cần kiểm tra ngay thực tế và báo cáo kịp thời về Bộ để sớm làm cầu cho dân đi lại. Ngày 9/4/2014, cây cầu đã được khởi công xây dựng. Và sau gần 1 tháng, Bộ Giao thông - Vận tải và UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức khánh thành, chính thức đưa vào sử dụng cầu treo Sam Lang trong niềm vui khôn xiết của người dân địa phương.

Nghe dân để biết thêm thông tin, thêm sự thật, để so sánh với các báo cáo của cấp dưới. Phản biện từ xã hội đi vào tận các cuộc họp trong phòng máy lạnh, thông qua chiếc máy điện thoại của cán bộ lãnh đạo. Người ta thường nói đến hai chữ “gần dân”, và đây chính là một cách để gần dân, nghe dân.

Đừng sợ công khai số điện thoại và hộp thư cá nhân thì sẽ nhận nhiều thứ chối tai, dân rất công tâm, cán bộ nào đáng mắng thì dân mắng, vị nào đáng khen thì dân khen. Hãy nhìn từ hiện thực cuộc sống, sẽ thấy có nhiều vị lãnh đạo được dân kính trọng hết mực, bởi vì họ hết lòng vì dân. Công khai số điện thoại cá nhân hay phát biểu bày tỏ lòng thương dân không phải để "diễn", mà để hành động tạo ra hiệu quả thực sự. Làm thực hay không, dân biết hết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công khai số điện thoại, hộp thư điện tử để gần dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO