Chung tay đẩy lùi “tham nhũng vặt”

Đức Diệu| 17/04/2017 09:43

Báo cáo kết quả về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố hồi tháng 3 vừa qua cho thấy, đây là năm đầu tiên chỉ số thành phần về chi phí không chính thức (1 trong 10 chỉ số cấu thành PCI) có sự tăng điểm đồng loạt. Điều này đồng nghĩa với việc “tham nhũng vặt” trong bộ máy công quyền đang có xu hướng giảm dần qua đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp.

ADQuảng cáo

Tại hội thảo nâng cao chỉ số PCI tỉnh Đắk Nông năm 2017 được tổ chức mới đây, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI tại Đà Nẵng nhận xét: “Một trong những chỉ số thành phần tăng điểm ấn tượng nhất trong năm 2016 của PCI Đắk Nông là chi phí không chính thức. Điều này cho thấy hiệu quả từ hàng loạt chính sách, hành động của tỉnh Đắk Nông như cải cách hành chính, trong đó chủ yếu cải cách thủ tục, môi trường hành chính công, tác phong, lề lối và đạo đức cán bộ công chức đã được doanh nghiệp ghi nhận”.

Nếu như năm 2015, chỉ số thành phần về chi phí không chính thức của Đắk Nông chỉ đạt 3.61 điểm thì năm 2016 đã vượt lên với 5.36 điểm, tăng 1.75 điểm và trở thành chỉ số tăng điểm cao nhất trong 5 chỉ số tăng điểm của PCI Đắk Nông.

Cụ thể, cùng với câu hỏi “doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức” thì năm 2015 có 17% doanh nghiệp được hỏi trả lời là có, trong khi câu hỏi này ở năm 2016 đã giảm xuống còn 9%. Tỷ lệ doanh nghiệp được hỏi cho rằng hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp cũng giảm từ 78% xuống còn 70%. Từ đây cho thấy, các hình thức tạo nên chi phí không chính thức hay còn gọi “tham nhũng vặt” như cán bộ vòi vĩnh, đòi “lót tay” để được giải quyết công việc đang có xu hướng giảm.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, cũng qua khảo sát PCI cho thấy, tình trạng “lót tay” khi giải quyết thủ tục cũng chưa hẳn do cán bộ gợi ý mà còn do chính doanh nghiệp chủ động vì lợi ích của chính họ. Kết quả điều tra cho thấy 70% doanh nghiệp được hỏi công nhận họ “đưa quà” cho cán bộ thanh, kiểm tra. Thế nhưng khi hỏi mục đích đưa quà thì có 44% doanh nghiệp cho biết, họ tự nguyện nhằm tạo mối quan hệ với cán bộ; 36% có suy nghĩ việc đưa quà như “luật bất thành văn”; còn 4% cho biết do cán bộ đòi hỏi.

Thực tế hiện nay cho thấy, việc chính quyền tiên phong trong xây dựng môi trường hành chính công rõ ràng, minh bạch và bình đẳng là cần thiết nhằm xóa bớt những “rào cản mềm” để cán bộ lợi dụng làm khó dễ người dân. Tuy nhiên, nỗ lực từ phía chính quyền dường như vẫn chưa đủ khi mà chính đối tượng thụ hưởng những chương trình cải cách đó không muốn “hợp tác”.

Đơn cử như hiện nay, việc ứng dụng các cơ chế như “một cửa”, “một cửa liên thông" đã khá phổ biến nhưng nhiều người vẫn có thói quen “đi tắt” bằng những mối quan hệ “đặc biệt”. Từ đây, chính bản thân người dân lại đang tạo cho cán bộ những áp lực hoặc tác phong, lề lối xấu bằng những cơ chế “xin, cho” truyền thống.

Từ đây cho thấy, để đẩy lùi tình trạng “tham nhũng vặt” trong bộ máy nhà nước, bên cạnh nỗ lực từ phía cán bộ còn đòi hỏi sự chung tay của chính người dân, doanh nghiệp trong thực thi quy định hành chính. Người dân, doanh nghiệp cũng cần nhận thức việc đấu tranh loại bỏ những thói quen xấu trong xã hội cũng là trách nhiệm của chính mình bằng việc xây dựng một phong cách giao dịch hành chính công tâm, văn minh, trong sáng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay đẩy lùi “tham nhũng vặt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO