“Cây kim trong bọc có ngày... lòi ra”

Tường Mạnh| 17/11/2017 09:27

Thời gian gần đây, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp trên địa bàn tỉnh liên tiếp phát hiện và xử lý kỷ luật các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có những hành vi vi phạm trong việc sử dụng các loại bằng cấp không hợp pháp để xin việc làm hoặc “thăng quan tiến chức”.

ADQuảng cáo

Chỉ cần vào Đắk Nông online, gõ từ khóa “cách chức”, ngay lập tức xuất hiện hàng loạt thông tin về những vụ việc các cán bộ, nhất là ở cấp xã bị cách chức vì liên quan đến việc sử dụng bằng cấp giả.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 11, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Glong đã ban hành quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn vì đã có hành vi sử dụng bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc không hợp pháp. Trước đó không lâu, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk R’lấp cũng ban hành quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Chủ tịch UBND xã Đắk Sin vì không trung thực trong việc kê khai lý lịch bản thân và sử dụng 2 bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp. Đáng nói nhất là vụ huyện Tuy Đức đã phát hiện và tiến hành xử lý kỷ luật cách chức cùng một lúc đối với 4 cán bộ xã Quảng Tâm do sử dụng bằng cấp giả vào cuối năm 2016 vừa qua.

“Cây kim trong bọc có ngày… lòi ra”, những hành vi gian dối bao năm tưởng không ai biết, cuối cùng cũng bị phơi bày ra ánh sáng và người vi phạm phải chịu những hình thức kỷ luật thích đáng của tổ chức, pháp luật là điều không thể tránh khỏi. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý trên 20 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, ban ngành trong tỉnh sử dụng văn bằng giả. Chắc chắn, tình trạng sử dụng văn bằng giả không dừng lại ở đây, vì những con số nói trên mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện được, còn trong thực tế biết bao nhiêu “cây kim vẫn còn nằm im trong bọc”, chưa phát lộ.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, “có cầu ắt có cung”, với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, tình trạng mua bán bằng giả trở nên dễ dàng, công khai, tràn lan hơn bao giờ hết. Hiện nay, người cung cấp dịch vụ bằng giả hoạt động theo chiều hướng công khai, chủ động quảng cáo tìm kiếm khách hàng trên các phương tiện thông tin. Chỉ cần một cú điện thoại, một click chuột và vài triệu đồng là có thể có ngay một tấm bằng từ THPT, trung cấp cho đến cao đẳng, đại học, thậm chí cả tiến sĩ, thạc sĩ.

Mặc dù biết là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự khi bị phanh phui, nhưng không ít người vì nhiều nguyên nhân vẫn tìm đến “thị trường bằng giả” này. Đối với nhiều người, bằng cấp được xem như là chìa khóa, là giấy thông hành để bước vào các cơ quan công quyền. Vì vậy, không ít đối tượng lười nhác học hành muốn xin được việc, muốn “thăng quan tiến chức” đã không ngần ngại mua bằng cấp giả để “hợp thức hóa” hồ sơ, lý lịch của mình.

Việc mua bán bằng giả là hành vi hoàn toàn trái pháp luật, cả người mua và người bán đều ý thức được điều này. Thế nhưng, vì lợi ích cá nhân, nhiều người vẫn "liều mua" và đến một ngày “xấu trời” nào đó bị phát giác thì “thân bại danh liệt”.

Rõ ràng, việc cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng phải mạnh tay xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm sử dụng văn bằng giả là điều hết sức cần thiết, vì sự công bằng xã hội, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, để hạn chế, không xảy ra những sự việc đáng buồn này, đòi hỏi công tác tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức cần phải được siết chặt hơn nữa, tạo sự răn đe mạnh mẽ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cây kim trong bọc có ngày... lòi ra”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO