Cái giá phải trả quá đắt!

Tường Mạnh| 28/10/2016 10:56

Vụ việc đau lòng xảy ra tại xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) trong những ngày qua, có thể được xem là “đỉnh điểm” của sự tranh chấp đất đai giữa doanh nghiệp và người dân tại các vùng dự án trong những năm qua.

ADQuảng cáo

Đã có người chết và bị thương, cái giá phải trả quá đắt, bắt nguồn từ việc không thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của tỉnh về giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân trong quá trình triển khai các dự án nông-lâm nghiệp.

Để khai thác tiềm năng đất đai, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngay từ khi thành lập tỉnh, tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển nông-lâm nghiệp. Vì vậy, trong những năm qua, có khá nhiều đơn vị, tổ chức kinh tế trong và ngoài tỉnh đến địa bàn tỉnh để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông-lâm nghiệp.

Các cơ quan, ban ngành, địa phương đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai các dự án, song thực tế không phải dự án nào cũng được suôn sẻ. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nổi cộm hơn cả đó là do vấn đề đất đai còn không ít “lấn cấn”.

Có một thực tế là khi triển khai đầu tư, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp phải tình trạng diện tích đất không có rừng nằm trong các dự án chủ yếu là đất xâm canh làm nương rẫy của người dân địa phương và người dân ở nhiều tỉnh, thành khác. Dù người dân xâm canh trên đất không hợp pháp do phá rừng hoặc mua lại đất có nguồn gốc từ đất lâm nghiệp, nhưng việc thỏa thuận giữa các chủ đầu tư với các hộ dân không phải là điều dễ dàng. Nhiều hộ dân không muốn giao đất cho các dự án vì đây là kế sinh nhai của gia đình họ, hoặc có đồng ý thì đòi giá đền bù cao nên chủ đầu tư không đáp ứng được.

Cũng có không ít trường hợp chủ đầu tư là doanh nghiệp cứng nhắc, giải quyết vấn đề chưa hài hòa và nhân văn nên đã xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Việc chủ đầu tư và người dân không tìm được tiếng nói chung đã nảy sinh tình trạng tranh chấp đất đai, khiếu kiện giữa hai bên diễn ra khá phức tạp, kéo dài, gây không ít xáo trộn trật tự xã hội vùng nông thôn.

ADQuảng cáo

Trước tình hình trên, thời gian qua, qua theo dõi nhận thấy, tại nhiều cuộc họp của tỉnh, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã khẳng định: Việc thu hút các doanh nghiệp đến địa bàn tỉnh đầu tư làm ăn trong lĩnh vực sản xuất nông-lâm nghiệp là điều mà tỉnh luôn khuyến khích.

Thế nhưng, quan điểm của tỉnh là không để cho doanh nghiệp được thuê đất, giao đất và "đẩy" đồng bào ra khỏi khu vực một cách tràn lan. Mặc dù đất đai đã bị người dân xâm canh trái phép, nhưng đây là vấn đề tồn tại có tính lịch sử, nên chính quyền địa phương, doanh nghiệp không thể cứ dùng các biện pháp hành chính là có thể giải quyết xong ngay được mà phải tính toán đến lợi ích, đời sống của người dân. Vì vậy, để giải quyết được vấn đề tranh chấp đất đai thì điều quan trọng nhất là phải tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người dân, bảo đảm hài hòa lợi ích cả hai bên.

Theo đó, khi triển khai dự án, thu hồi đất của dân, chính quyền địa phương phải yêu cầu, hỗ trợ doanh nghiệp làm tốt việc hỗ trợ công khai hoang cho dân với mức mà hai bên thỏa thuận; vận động dân góp đất vào dự án như là đóng cổ phần làm ăn; sử dụng lao động, giải quyết việc làm cho người dân tại các dự án. Chỉ có giải quyết được ổn thỏa các vấn đề trên thì mới có thể phần nào hạn chế, chấm dứt được tình trạng tranh chấp đất đai, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người dân, nếu không vẫn sẽ tiếp diễn, kiện cáo liên tục.

Rõ ràng, khi người dân được bảo đảm về đời sống, có quyền lợi thiết thực trong các dự án thì họ mới sẵn sàng, vui vẻ chấp nhận giao đất cho doanh nghiệp. Khi người dân có cơ hội phát triển sản xuất theo dạng đóng cổ phần thì họ sẽ tận tâm, tận lực với doanh nghiệp, bảo vệ đất đai, cây trồng, góp phần cho dự án phát triển.

Còn về phía doanh nghiệp thì không những có đất để triển khai dự án mà còn "được tiếng" là có công đầu trong việc góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Bởi vì, suy cho cùng, mọi nỗ lực thu hút đầu tư của tỉnh cũng đều nhằm mục đích là phục vụ, bảo đảm và không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của các tầng lớp nhân dân.

Trên thực tế, có thể đây là vấn đề không phải dễ dàng, nhưng nếu chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp quan tâm, nỗ lực thực hiện thì chắc chắn người dân cũng sẽ đồng tình, ủng hộ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái giá phải trả quá đắt!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO