Bệnh "háo danh thành tích"

Vũ Hà| 31/08/2017 09:31

Bản chất của thành tích, khen thưởng vốn là những từ rất đẹp, rất ý nghĩa. Muốn có thành tích và được khen thưởng không có gì xấu, nếu thành tích và khen thưởng đó là thực chất và xứng đáng. Thế nhưng, động cơ, bản chất của bệnh "háo danh thành tích" thì hoàn toàn ngược lại...

ADQuảng cáo

Hiện nay, căn bệnh "háo danh thành tích" khá nặng nề và nhiều biến tướng. Đây cũng là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã được nhận diện, chỉ rõ trong Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII là bệnh "thành tích, háo danh", phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu”… Đây là một loại “chạy” tinh vi, một biểu hiện cơ hội, trục lợi chính trị, xuất phát từ căn bệnh "háo danh thành tích".

Thời gian qua, một số cá nhân, tổ chức, trong đó có cả cán bộ, đảng viên đã có nhận thức, ứng xử lệch lạc trong công tác thi đua - khen thưởng. Từ đó gây nên những câu chuyện bi hài, nghịch lý về cái gọi là “mặt trái của tấm huân chương” theo nghĩa xấu. Khá nhiều vụ việc "chạy" thành tích và được khen thưởng đầy tai tiếng, gây dư luận ồn ào trong xã hội. Vụ Trịnh Xuân Thanh làm thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng vẫn được khen thưởng, thăng cấp và chức vụ là một ví dụ điển hình về việc “chạy”, đồng thời cũng là bài học đau xót cho công tác thi đua khen thưởng của chúng ta.

Vậy “bệnh thành tích” bắt nguồn từ đâu? Nguyên nhân của nó chính là “thùng rỗng kêu to” mà từ ngày xưa, người lao động đã chê cười và phê phán. Bởi thế, có người tìm mọi cách đánh bóng tên tuổi để thỏa mãn thói háo danh, để không bị “thua chị kém em”, hay vì “con gà tức nhau tiếng gáy”. Bệnh thành tích còn bắt nguồn từ tham vọng cá nhân: Có nhiều bằng khen, huân huy chương, danh hiệu, bằng cấp… để chứng tỏ nhiều thành tích, chứng tỏ trình độ, năng lực, sự phấn đấu để được chú ý cơ cấu, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm…

ADQuảng cáo

Không khó để thấy khá đông cán bộ vẫn còn “say sưa thành tích”, “đam mê khen thưởng” quá mức cần thiết, thậm chí tranh gần hết phần khen thưởng của người lao động. Một tình trạng khá phổ biến là nhiều cơ quan, đơn vị khi bình bầu cuối năm, lãnh đạo, ban giám đốc tất thảy đều xuất sắc, trong khi đó có vị công việc cứ làng nhàng, chẳng có thành tích gì nổi bật. Tệ hơn, có trường hợp làm việc tốt nhưng không được “cảm tình” của một số người khác nên khi bỏ phiếu lại rất thấp hoặc “không quá bán”…

Việc “lạm phát” khen thưởng nhiều cán bộ, đã làm suy giảm, thậm chí triệt tiêu động lực phấn đấu thi đua của nhân dân vốn là lực lượng, chủ thể đông đảo nhất trong xã hội. Đặc biệt, những tiêu cực, bất minh, thiếu khách quan trong công tác thi đua khen thưởng do bệnh thành tích gây ra đã góp phần triệt tiêu động lực phấn đấu, thi đua và gây ra những hệ lụy khôn lường. Một trong những hệ lụy đó là, nó gây khó khăn, thiếu khách quan cho công tác đánh giá, nhận xét cán bộ, vì sự đánh giá, nhận xét đó thông qua “giá trị ảo”...

Để công tác thi đua - khen thưởng ngày càng thực chất, không để xảy ra những tiêu cực, sai sót, có tác dụng động viên, khuyến khích cán bộ công chức và người lao động, chúng ta cần nhận diện, phát hiện và kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các trường hợp cá nhân, tổ chức thiếu trung thực trong hoạt động thi đua và có động cơ, hành vi lệch lạc về công tác khen thưởng. Bên cạnh đó, cần phải siết chặt quy trình, thủ tục hồ sơ thẩm định khen thưởng. Qua đó nhằm “bịt chặt” các lỗ hổng về phong tặng danh hiệu để mọi cá nhân, tổ chức không có cơ hội “chạy” nhằm “lấy bằng được” thành tích, khen thưởng và danh hiệu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh "háo danh thành tích"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO